Thông tin từ Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực này 13.931 trường hợp, số tiền xử phạt hơn 51 tỷ đồng. Đồng thời đã lập biên bản tước tem kiểm định và thu hồi phù hiệu vận tải gần 1.000 phương tiện các loại.
Tính riêng trong tháng 11/2023, Thanh tra giao thông Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 1.346 trường hợp, số tiền xử phạt là hơn 4,6 tỷ đồng; tạm giữ 10 phương tiện, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn 143 trường hợp, tước phù hiệu xe 82 trường hợp.
Những con số đó một lần nữa cho thấy vi phạm trong lĩnh vực giao thông vẫn rất trầm trọng. Không riêng gì Hà Nội, các địa phương khác cũng trong tình trạng tương tự. Từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình được dự báo còn diễn biến phức tạp hơn.
Khi năm 2023 sắp trôi qua, cũng cần nhìn nhận tình trạng mất an toàn giao thông qua một số vụ tai nạn có thể nói là kinh hoàng.
Ngày 14/2, vụ tai nạn xe khách tại Quảng Nam khiến 10 người tử vong.
Ngày 5/4, tai nạn xảy ra tại ngã tư đường Xuân La, Hà Nội, ô tô đâm 17 xe máy, 22 người bị thương.
Ngày 2/6, ô tô va chạm xe máy khiến 3 người trong cùng một gia đình tử vong (tai nạn xảy ra ở thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).
Ngày 12/8, va chạm giữa xe ben và xe con khiến 3 thành viên Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai tử vong.
Ngày 29/9, hai xe máy tông trực diện khiến 3 người tử vong, 3 người bị thương (tai nạn xảy ra tại thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang).
Ngày 30/9, vụ tai nạn khiến 5 người tử vong, 3 người bị thương nặng (tai nạn xảy ra tại khu vực ấp 3, xã Phú Vinh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai).
Ngày 31/10, vụ va chạm liên hoàn giữa 3 ô tô khiến 4 người chết tại chỗ, 1 người chết tại bệnh viện, 10 người bị thương (tại nạn xảy ra tại dốc Rừng Cấm, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn).
Ngày 2/11, xe máy va chạm ô tô tải làm 3 người tử vong (tai nạn xảy ra tại khu vực xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai)...
Nguyên nhân xảy ra tai nạn bao gồm: lái xe ô tô chạy quá tốc độ, không chú ý quan sát, đạp nhầm chân ga (thay vì chân phanh), lái xe ngủ gật, xe chở quá số người quy định, người đi xe máy lạng lách giành đường...
Có thể nói, cho dù lực lượng chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng tai nạn giao thông vẫn xảy ra. Đáng chú ý, trong những dịp nghỉ dài ngày, lưu lượng phương tiện giao thông tăng thì số vụ tai nạn cũng tăng theo. Nhiều phân tích cho thấy tai nạn giao thông xảy ra trong những dịp nghỉ lễ, tết có nguyên nhân quan trọng là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia. Tại những tuyến giao thông liên tỉnh, xe khách thường “cướp” đường, phóng nhanh vượt ẩu để giành khách, tăng chuyến, trên xe “nhồi nhét” quá nhiều người.
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 1300, gửi các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, yêu cầu tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông như vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy; chạy quá tốc độ quy định; đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, dừng, đỗ trái phép; quay đầu xe, tránh, vượt không đúng quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; không nhường đường cho xe ưu tiên, đi vào làn dừng khẩn cấp...
Công điện của Chính phủ cũng đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông, thực hiện "đã uống rượu, bia - không lái xe"; không sử dụng điện thoại khi lái xe, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô; tuân thủ quy định về tốc độ...
Hiện đã vào thời điểm người và phương tiện tham gia giao thông gia tăng, vì vậy càng phải tuân thủ triệt để quy định về an toàn giao thông, tăng cường xử phạt những hành vi vi phạm. Chỉ có như vậy mới kéo giảm tai nạn giao thông, nhất là giao thông đường bộ, khi mà Tết Nguyên đán đã đến rất gần.