Thông tin từ cơ quan dự báo thời tiết, hoàn lưu bão số 2 tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề nhiều tỉnh miền Bắc. Tới nay đã ghi nhận 10 người chết, 9 người mất tích. Riêng về hạ tầng giao thông, mưa lũ đã gây ra 769 điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ với tổng khối lượng trên 47.383m3 đất đá. Trong khi nước các dòng sông, suối, hồ đập thủy điện, thủy lợi tiếp tục đang cao.
Bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân mùa mưa bão đang được đặt ra cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết biến động ngày một cực đoan. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện cụ thể của địa phương. Các địa phương cũng cần đặc biệt lưu ý có biện pháp chủ động, quyết liệt để giảm thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của người dân.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục đề nghị các địa phương duy trì tổ chức lực lượng canh gác, đặt biển cảnh báo tại các ngầm tràn, đường giao thông, khu vực ngập lụt, sạt lở; đồng thời tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh khi nước rút để sớm ổn định đời sống.
Trong đợt mưa lũ này, một số tỉnh miền núi phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên.
Thông tin từ cơ quan dự báo thời tiết, trong 4 ngày (từ 28 - 31/7), tại các tỉnh, thành phố phía Bắc (bao gồm cả Hà Nội) sẽ lại hứng chịu một đợt mưa lớn. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tiếp tục đe dọa nhiều địa phương. Theo đó, từ đêm 28/7 đến ngày 31/7, tổng lượng mưa ở khu vực vùng núi và trung du phổ biến từ 70 - 200mm, cục bộ có nơi trên 250mm. Khu vực đồng bằng có mưa từ 50 - 100mm, cục bộ có nơi trên 150mm.
Cơ quan khí tượng thuỷ văn cảnh báo mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ; sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Những ngày qua, nhiều địa phương phía Bắc đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, sạt lở. Tại tỉnh Điện Biên, đêm 24 rạng sáng 25/7 lũ quét bất ngờ đổ về Mường Pồn làm 2 người tử vong, 5 người mất tích, 2 người bị thương; hơn 50 ngôi nhà của người dân bị đổ sập, lũ cuốn và hư hỏng. Lũ quét tràn về trong đêm khiến người dân không kịp ứng phó. Suốt trong những ngày qua, hàng nghìn người thuộc lực lượng Biên phòng, Công an, Quân đội, dân quân tự vệ cùng cán bộ các sở, ngành, huyện Điện Biên đã lật từng viên đá, bới từng vũng bùn với hy vọng tìm được người mất tích càng sớm càng tốt. Đồng thời UBND tỉnh chỉ đạo rà soát vận động tất cả các hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ thiên tai di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, cần vận động không để các hộ dân ở các bản Mường Pồn 1, bản Lĩnh, Huổi Ké vừa bị ảnh hưởng lũ quét về nơi ở cũ.
Tới nay, hoàn lưu bão số 2 vẫn tiếp tục gây mưa lớn trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân. Trong khi đó, nước các dòng sông tiếp tục dâng khiến lượng nước đổ về các hồ chứa thủy điện, thủy lợi rất lớn. Chính vì thế, vào lúc này, việc vận hành hệ thống hồ chứa nước là rất quan trọng.
Mùa mưa bão đang dần vào cao điểm, chính vì thế việc chủ động, khẩn trương ứng phó phải được đặt ra như một nhiệm vụ trọng tâm. Trong khi thời tiết biến động khó lường với nhiều yếu tố cực đoan thì điều đó lại càng quan trọng. Mưa bão, lũ lụt, sạt lở có thể cuốn trôi thành quả lao động chắt chiu của người dân. Phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại đi cùng với công tác cứu trợ, hỗ trợ người dân đứng dậy sau thiên tai cần được các địa phương lên kế hoạch chi tiết, cụ thể.
Về lâu dài, địa phương vùng thường xuyên gặp thiên tai cần bố trí diện tích đất để di dời, ổn định cuộc sống người dân khỏi những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống. Cùng đó, việc bảo đảm an toàn các hồ chứa nước khi xả lũ phải đi cùng với việc bảo đảm an toàn cuộc sống của người dân.
Được biết, cả nước có hàng trăm đập, hồ chứa lớn, nhỏ với tổng dung tích khoảng 63 tỉ m3, góp phần quan trọng cắt giảm làm chậm lũ, giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra ở khu vực hạ du hồ chứa. Tuy nhiên, nếu xả lũ không đúng quy trình, các hồ chứa sẽ là nguy cơ gây “lũ chồng lũ” cho vùng hạ du.