Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, được đánh giá là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Tòa thành được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397 khi rời đô từ Thăng Long về Tây Đô. Trải qua hơn 600 năm, nhiều hạng mục công trình bên trong thành đã bị phá hủy. Năm 2011, thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Đình Minh Các cô trò lớp 12A7, Trường THPT Vĩnh Lộc đã có buổi tham quan, trải nghiệm di sản thành nhà Hồ. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là không gian trưng bày hiện vật ngoài trời. Ảnh: Đình Minh Hiện tại, nơi đây hiện có nhiều di vật bằng đá được tìm thấy trong những lần khai quật. Chúng chủ yếu là đá chân tảng có kích cỡ khác nhau, họa tiết hình đài sen - cánh sen. Ảnh: Đình Minh Trên một số hiện vật còn khắc hình rồng uốn lượn - là biểu tượng của vua chúa, đại diện cho sức mạnh của vương triều. Ảnh: Đình Minh Ngoài ra, các dấu vết kiến trúc trong thành Nội còn được thể hiện bằng các vật liệu cổ như ngói đầu ống có lá đề khắc hình lưỡng long; đầu chim phượng, hình chim uyên ương... Ảnh: Đình Minh Tiếp sau đó, đoàn đến là khu phục dựng, mô phỏng súng thần công, gắn liền với tên tuổi của Hồ Nguyên Trừng (con trai của Hồ Quý Ly). Ảnh: Đình Minh Tại đây, đoàn được hướng dẫn viên mô tả cách sử dụng súng thần công và quá trình quân đội triều Hồ kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Ảnh: Đình Minh Theo nguyện vọng của các bạn học sinh, đoàn đã dừng chân để tham quan khu vực tường bao của tòa thành, nơi có những phiến đá to màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau mà không sử dụng thêm bất cứ vật liệu liên kết nào. Ảnh: Đình Minh Đến nay, sau nhiều cuộc khai quật, khảo sát, các nhà khoa học vẫn chưa thể chứng minh chính xác được bằng cách nào, người thợ xưa có thể tời những khối đá nặng hàng chục tấn lên cao như vậy. Ảnh: Đình Minh Vào sâu bên trong Nội thành, các bạn học sinh được hướng dẫn viên kể câu chuyện về đôi rồng đá được phát hiện năm 1938. Ảnh: Đình Minh Tham quan đền thờ nàng Bình Khương, du khách và các bạn trẻ được nghe huyền tích “nàng Bình Khương đập đầu vào phiến đá đến chết để kêu oan cho chồng vì bị nhà vua chôn sống khi xây bức tường thành đổ vỡ”. Ảnh: Đình Minh Bên trong đền, các bạn trẻ và người dân chắp tay cầu khấn những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Ảnh: Đình Minh Điểm dừng chân tiếp theo của đoàn là ngôi nhà cổ của ông Phạm Ngọc Tùng (71 tuổi, trú xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc) được khởi dựng từ năm 1810, công trình này nằm cách cổng Tây di sản UNESCO thành nhà Hồ 200 m. Ảnh: Đình Minh Tại đây, hướng dẫn viên cho biết ngôi nhà này đã trải qua 7 thế hệ, nguồn gốc của ngôi nhà này là do cụ Bát, giữ chức quan bát phẩm đời nhà Nguyễn khởi dựng vào năm 1810, hoàn thành trong thời gian 7 tháng dưới bàn tay của những người thợ tài hoa nhất vùng Nam Hà (Hà Nam ngày nay) và làng Đạt Tây (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa ngày nay). Ảnh: Đình Minh Điểm dừng chân cuối cùng của đoàn là khu vực trưng bày cổ vật có niên đại lên tới hơn 600 năm tại thành nhà Hồ. Trong “kho” cổ vật hiện có một số hiện vật như: Đầu rồng đá, ngói, gạch để xây thành, bi đá, đạn đá, các, chén đĩa sứ, vật liệu đất nung… Ảnh: Đình Minh Em Nguyễn Thị Thúy (lớp 12A7, Trường THPT Vĩnh Lộc) cho biết, bản thân rất ấn tượng với những hiện vật, các di tích và câu chuyện về di sản thành nhà Hồ. Thúy cho rằng, được đi một lần thực tế và đầy đủ như vậy sẽ giúp ích rất nhiều cho học sinh so với việc chỉ cập nhật thông tin trong sách vở. Ảnh: Đình Minh