Đến thời điểm này có thể nói rằng, năm nay ĐBSCL “đói lũ”, lũ không về nguồn lợi thủy sản theo đó cũng không có, đồng ruộng cạn kiệt không được phù sa bồi đắp, hoạt động sản xuất khai thác đánh bắt thủy sản của người dân trong mùa nước nổi cũng đìu hiu…
Cánh đồng ở xã Thường Thới Hậu A, năm nay đìu hiu khác với những năm trước người dân tấp nập đánh bắt thủy hải sản.
Những năm trước khi các mùa “lũ đẹp” về, hoạt động sản xuất mùa nước nổi ở hai địa phương đầu nguồn là An Giang và Đồng Tháp náo nhiệt với các dụng cụ đăng, đáy, đặt lờ, lợp, giăng lưới tạo ra giá trị hàng ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần cả triệu lao động địa phương trong 3 đến 4 tháng mùa lũ.
5h sáng chúng tôi theo chân lão nông Trần Văn Ứng, xã Thường Thới Hậu A thu hoạch dớn.
Biến đổi khí hậu và hoạt động xây dựng đập thủy điện ngăn sông của các nước ở đầu nguồn sông Mekong đã làm cho lưu lượng nước về hạ nguồn ĐBSCL ngày càng ít đi. Gần đây, việc Thái Lan thực hiện dự án chia 50% nước sông Mekong để phục vụ tưới tiêu 5 triệu ha đất nông nghiệp của họ sẽ khiến cho nguồn nước về vùng đồng bằng ngày càng cạn kiệt. Ngay cả biển hồ ở Campuchia cũng cạn khô, nói chi là Đồng bằng sông Cửu Long…
Nước không lên anh Nguyễn Trọng Dũng gỡ dớn chỉ được vài con ốc và mớ tép, vài con cá linh.
Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi có chuyến thực tế tại thượng nguồn huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp giáp với Campuchia, nhưng mực nước rất thấp, không vượt khỏi bờ, người dân ở đây tiếp tục thất thu một năm nữa…
Ở gần đó 2 cha con anh Nguyễn Văn Tạo cũng thăm dớn mà không có cá nên anh chả buồn dỡ.
Ở các con kênh người dân đặt đáy cũng không có cá.
Nhiều ghe thuyền chuẩn bị các ngư cụ đi cả ngày đánh bắt cá mà không có đành về không.
Hoạt động đóng đáy ở sông Sở Thượng những năm trước hoạt động náo nhiệt,
những người dân đóng đáy cho biết, chỉ khoảng 30 gỡ đáy là thu hoạch được hàng trăm kg cá linh. Nhưng năm nay hàng tiếng đồng hồ nhưng chỉ thu hoạch được vài kg.
Những năm trước khi lũ về mực nước cao lên hàng mét,
năm nay nước không lên, lũ trẻ có thể tắm chạy nhảy nô đùa ở ngoài đồng.
Bông súng, đặc sản của mùa nước nổi, giờ chỉ ở vùng của Campuchia mới có.
Mùa nước nổi còn có đặc sản là bông điên điển dần cũng ít đi.
Bông điên điển, rau muống đồng, bông súng là những sản vật đặc trưng
chỉ có ở mùa nước nổi, dùng để nấu canh chua ăn rất đậm đà.
Những năm trước cá linh rẻ và nhiều đến mức người dân ăn không hết
còn dùng để làm mắm. Nhưng năm nay cá linh hiếm, ở đầu nguồn mà giá lên tới cả trăm ngàn/kg, nên người dân có canh chua cá linh là khấm khá.