“Ánh sáng vùng biên” là một mô hình, cách làm sáng tạo của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình giúp người dân ở miền núi, vùng sâu vùng xa nơi biên giới xây dựng các đường điện chiếu sáng trên các trục đường chính ở khu dân cư.
Lên xã biên giới Dân Hóa (huyện Minh Hóa), chúng tôi được chứng kiến niềm vui của dân bản Ka Ai khi đêm xuống. Dưới ánh đèn đường chiếu sáng, người già kéo nhau ra đường hóng mát, trò chuyện, còn trẻ em thì nô đùa trên con đường bê-tông khang trang, sạch sẽ nối từ quốc lộ 12A chạy vào trung tâm bản.
Trưởng bản Ka Ai Cao Xuân Xiêm cho biết, “công trình điện sáng này được BÐBP xây dựng và hoàn thành vào đầu tháng 3 năm nay. Từ ngày có “Ánh sáng vùng biên”, bà con trong bản mình vui sướng cái bụng lắm. Giữa núi rừng, ánh đèn điện chiếu sáng lung linh như ở thành phố”.
Theo Ban Chỉ huy Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, nhờ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức khảo sát rồi cử hai nhóm cán bộ, chiến sĩ thi công đường điện thắp sáng dài 2 km từ quốc lộ 12A vào 3 bản: Bãi Dinh, Ka Ai, Ka Vàng (xã Dân Hóa) với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Ðể tiết kiệm chi phí, các chiến sĩ đã mua ống thép về tự hàn cột rồi gắn thêm giá lắp các bóng đèn led, qua đó tận dụng hiệu năng ánh sáng, vừa tiết kiệm điện.
Trở lại bản Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa), nơi có 80 hộ dân với 305 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào Rục sinh sống. Bản ở vị trí đầu tiên trên tuyến đường độc đạo từ đường Hồ Chí Minh vào vùng đồng bào Rục.
Triển khai mô hình “Ánh sáng vùng biên”, Ðồn Biên phòng Cà Xèng đã hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện đường chiếu sáng. Sau hơn một tháng thi công, công trình “Ánh sáng vùng biên” bản Mò O Ồ Ồ dài 1,5 km, với số tiền gần 40 triệu đồng được hoàn thành trong niềm vui của người dân.
Không chỉ hỗ trợ người dân ở vùng miền núi, Ðồn Biên phòng Ngư Thủy (xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy) đã giúp đỡ bà con ngư dân ở thôn Nam Hải công trình “Ánh sáng vùng biên” - tuyến đường điện chiếu sáng dài hơn 1,5km. Cùng với đường điện dọc tuyến đường, Chi hội Phụ nữ thôn Nam Hải đã phát động hội viên trồng hoa hai bên đường và thường xuyên vệ sinh đường sá để tuyến đường đi qua thôn luôn sạch, đẹp.
Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BÐBP tỉnh Quảng Bình cho biết: “Ánh sáng vùng biên” là một trong những mô hình có ý nghĩa thiết thực đối với nhân dân ở khu vực biên giới, nhất là trong điều kiện cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư kéo điện đến hầu hết các xã ở nơi biên giới, nhờ vậy, đời sống của người dân được cải thiện. Tuy nhiên, do điện lưới mới chỉ sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày, còn điện chiếu sáng công cộng là điều mà bà con ở các bản vùng biên chưa nghĩ tới.
Từ thực tế đó, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đồn biên phòng đứng chân trên hai tuyến biên giới chủ động phối hợp các xã khảo sát, vận động cán bộ, chiến sĩ đơn vị quyên góp, ủng hộ kinh phí, tham gia ngày công lao động; đồng thời kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ để triển khai xây dựng các công trình “Ánh sáng vùng biên”.
Đến nay đã có có 8 đồn Biên phòng, gồm: Cà Xèng, Ngư Thủy, Làng Ho, Cảnh Gianh, Roòn, Ra Mai, Làng Mô, Cha Lo xây dựng 13 công trình đường điện “Ánh sáng vùng biên”, với tổng chiều dài gần 22 km, trị giá gần 700 triệu đồng.