4 thành viên thủy thủ đoàn của tàu chở dầu Iran bị Iran bắt tuần trước tại Gibraltar đã được trả tự do mà không bị cáo buộc tội danh, nhưng con tàu vẫn bị giữ vì Tehran bị nghi vi phạm lệnh cấm vận của EU với Syria.
Tàu chở dầu Grace-1 (Ảnh: Reuters).
RT dẫn thông báo ngày 12/7 của cảnh sát hoàng gia Gibraltar (lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh) cho biết họ đã thả tổng cộng 4 thành viên của tàu Grace 1, bao gồm thuyền trưởng và một sĩ quan bị bắt hôm 11/7. Ngoài ra, danh sách cũng gồm 2 thuyền viên khác bị bắt ngày 12/7. Tất cả những người này đã được thả theo bảo lãnh của cảnh sát “đi kèm điều kiện”. Tuy nhiên, phía Gibraltar không cung cấp thêm thông tin về việc này.
Siêu tàu chở dầu Grace 1, phương tiện bị chính quyền Gibraltar và thủy quân lục chiến Anh bắt hồi tuần trước vì “vi phạm lệnh trừng phạt” Syria, tiếp tục bị giữ. Anh và Gibraltar đang tiến hành cuộc điều tra.
Theo RT, Grace-1 là tàu mang cờ Panama, thuộc một công ty có trụ sở ở Singapore. Khi bị bắt với cáo buộc chuyển dầu tới một điểm nằm trong lệnh trừng phạt của EU áp lên Syria, Grace-1 mang theo thủy thủ đoàn gồm 28 thành viên, hầu hết là người mang quốc tịch Ấn Độ, tuy nhiên cũng có cả người Pakistan và Ukraine. Các quan chức Gibraltar nói rằng những người này đều được thẩm vấn dưới vai trò nhân chứng.
Liên quan tới vụ bắt tàu chở dầu Iran, Tehran xác nhận có mối liên hệ với tàu Grace-1 xong bác bỏ thông tin rằng con tàu đang tới Syria. Iran gọi lý do mà Anh và Gibraltar đưa ra là “nực cười” vì “Iran không phải là thành viên EU và cũng không chịu bất cứ lệnh trừng phạt nào về dầu thô của khối”, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nhận định.
Tehran cáo buộc động thái bắt tàu của Anh là “cướp biển”, cảnh báo London sẽ nhận hậu quả nếu không thả tàu Grace-1, bao gồm cả phương án bắt tàu Anh để trả đũa.
Một số nguồn tin cho biết Anh đã nâng mức báo động an ninh lên mức cao nhất đối với các tàu mang cờ Anh đi qua vùng biển của Iran, sau vụ siêu tàu chở dầu bị bắt. Trong khi đó, Mỹ để ngỏ khả năng thành lập một liên minh để bảo đảm tự do hàng hải cả ở eo biển Hormuz và eo biển Bab-el-Mandeb.
Trong một diễn biến khác, trả lời hãng tin IRNA, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cáo buộc rằng sự hiện diện của một số quốc gia nước ngoài cách Trung Đông hàng nghìn dặm tại khu vực đang gây bất ổn và kêu gọi các nước lân cận duy trì an ninh tại đây.
"Họ (quốc gia nước ngoài) nói dối khi tuyên bố sẽ làm khu vực ổn định. Điều này không giúp ích gì và nên bị coi là mối nguy hiểm với mọi người", ông Mousavi cảnh báo các nước láng giềng tại Trung Đông.
"Chúng ta là hàng xóm và sinh sống tại khu vực. Chúng ta phải duy trì an ninh tại đây", nhà ngoại giao Iran cho hay.