Áp lực

Lê Hùng 15/04/2018 08:00

Sự việc một nam sinh lớp 10 tự tử tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (Quận Tân Bình, TP HCM) mới đây đã làm dấy lên lo lắng về phương pháp giáo dục, về cách cha mẹ gây áp lực cho con trong việc học.

Theo đó, sự việc này diễn ra vào sáng 10/4 tại cơ sở 3A (T15 Mai Lão Bạng, Phường 13, QuậnTân Bình, TP HCM). Lúc này, học sinh (HS) của cơ sở 3A đang chào cờ. Ngoài chào cờ, trường còn tổ chức trao giải cho HS đoạt giải cuộc thi robot cấp thành phố vừa qua.

Theo ông Lê Trọng Tín, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, C. đã để 2 bức thư gửi lại cho ba mẹ và cho lớp. Theo đó, C. cho biết quá áp lực vì không đáp ứng được mong mỏi và kỳ vọng của gia đình với mình.

Cũng theo thầy Tín, việc trường áp dụng kỷ luật nghiêm là thực tế ai cũng biết. Mục đích của nhà trường xuất phát từ nhiều phía. Một là phụ huynh mong muốn con em mình đi vào nền nếp, học giỏi để đậu ĐH. Thứ hai là việc giảng dạy tại trường so với trường bạn thì thời gian, kiến thức có nhiều hơn. Các em tuổi cũng còn nhỏ, chưa hiểu được ba mẹ, nhà trường lo cho mình, xem việc học quá nặng nề, dẫn đến áp lực cho các em.

Điều đau lòng ở chỗ, em C. không phải là trường hợp duy nhất có hành động dại dột như vậy. Thời gian gần đây có nhiều HS tự tử vì áp lực học hành, vì không đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ. Thực tế, nhiều sự việc đáng tiếc từng xảy ra với những học sinh chăm ngoan, học giỏi, không có bất cứ biểu hiện tiêu cực nào khiến thầy cô, cha mẹ hoàn toàn bất ngờ, không lường tới được.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nhận thức mù mờ về triết lý - mục tiêu giáo dục đã khiến cho giáo dục trường học quay cuồng trong các cuộc cải cách, mà hầu hết các cuộc cải cách đó là… cải cách thi. Nó đã biến đời sống trường học sống động, phong phú và đầy màu sắc thành một màu xám xịt đầy âu lo với nỗi lo bài tập về nhà và thi cử.

Phụ huynh thay vì suy ngẫm xem mình muốn con mình trở thành người như thế nào đã cuống cuồng lo lắng xem con hôm nay được điểm gì, cuối kỳ đứng thứ bao nhiêu, có được học sinh giỏi không...

Đã có nhiều diễn đàn trao đổi về vấn đề này, phụ huynh, nhà trường, rồi học sinh ai cũng có cái lý của mình, nhưng thiết nghĩ để giúp con cái mình hiệu quả nhất, các bậc phu huynh có thể tham khảo ý kiến của nhà giáo Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft: “Con bạn không nhất thiết phải học giỏi nhất khối để trở thành người thành công trong cuộc sống. Con bạn không cần phải kiếm được một công việc nhàn hạ lương cao để hạnh phúc. Xin đừng lấy thành tích học tập của con để đo mức độ thành công trong việc giáo dục con và là định lượng cho phúc đức gia đình nữa. Xin đừng ép con học để đạt HS giỏi, thi đậu trường chuyên, đạt được nhiều giải thưởng chỉ vì sĩ diện của cha mẹ nữa. Điểm số chỉ có ý nghĩa trong một năm học mà thôi. Những con điểm ấy không đi theo con chúng ta suốt đời và không đánh giá được nhân cách và tài năng của con chúng ta”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO