Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là có nhiều triển vọng phát triển và tăng trưởng trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, sự xuất hiện của nhiều DN bán lẻ ngoại có tầm ảnh hưởng lớn đang đặt các DN bán lẻ nội trước nhiều áp lực. DN bán lẻ nội phải làm gì để có thể vững vàng trước xu thế này?
Doanh nghiệp bán lẻ nội địa phải nâng sức cạnh tranh và chủ động tìm cho mình hướng đi riêng. Ảnh: TL.
Doanh nghiệp ngoại gia tăng
Trong suốt năm 2015 và 2016, người ta chứng kiến những cuộc sáp nhập và thôn tính của các DN bán lẻ ngoại đối với các DN nội. Đơn cử như vụ việc người Thái Lan “thôn tính” Metro, hay cũng chính người Thái đã mua lại Big C… và còn nhiều vụ mua bán, sáp nhập khác trong giới các nhà bán lẻ.
Và cũng chỉ trong vòng khoảng 3,4 năm trở lại đây, người ta chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà bán lẻ ngoại đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Những cái tên chỉ vừa xuất hiện đã bỗng chốc được nhiều người tiêu dùng Việt Nam nhắc đến như Lotte, Aeon… cho thấy, chiến lược thâm nhập của người nước ngoài vào thị trường bán lẻ của Việt Nam mạnh mẽ, bài bản đến mức nào.
Đáng chú ý, người Thái hay người Nhật, Hàn Quốc khi tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam có chiến lược tìm hiểu rất kỹ thị hiếu, sở thích và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Điều này được chính các nhà bán lẻ nội thừa nhận. Theo ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP đầu tư Thế giới di động, người Nhật chỉ trong thời gian rất ngắn họ đã có tìm hiểu được những thói quen, sở thích của khách hàng Việt Nam. Chính vì thế chuỗi siêu thị Aeon của Nhật Bản chỉ mới thâm nhập vào Việt Nam đã thu hút được một lượng rất lớn khách hàng Việt.
“Aeon Bình Dương, Tân Phú, mặc dù là những địa điểm khá xa trung tâm nhưng lúc nào cũng đông khách bởi họ hiểu khách hàng. Điều các nhà bán lẻ ngoại làm được là họ chú tâm vào tìm hiểu thị trường mà họ hướng tới. Và với lợi thế thấu hiểu thị trường của mình, các DN ngoại đã thu hút được khá hàng Việt Nam chỉ trong khoảng 1 năm thâm nhập, hơn hẳn những DN trong nước với thâm niên cả chục năm” – ông Tài đánh giá.
Tương tự, Lotte – một thương hiệu bán lẻ của Hàn Quốc mới thâm nhập vào Việt Nam khoảng 2,3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Lotte đã mở rộng quy mô với trên 10 điểm siêu thị ở khắp cả nước. Dự kiến trong 10 năm tới, Lotte sẽ mở tổng số đến 60 điểm ở Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam cũng có những nhà bán lẻ đầu tư vào các chuỗi siêu thị như Saigon Co.op với 72 siêu thị, Vingroup với khoảng 60 điểm. Song các điểm bán lẻ của DN nước ngoài lại có doanh số bán ra gấp 3- 4 lần so với một điểm của các siêu thị nội do quy mô lớn hơn.
Những con số nói trên là minh chứng rõ ràng nhất về khả năng nắm bắt thị trường của các DN bán lẻ ngoại tốt như thế nào. Điều này chắc chắn là thách thức không nhỏ của các DN nội.
Mua bán và sáp nhập cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ nội tự hoàn thiện mình.
Trong thách thức có cơ hội
Theo đánh giá của giới chuyên gia trong ngành bán lẻ, với lợi thế về dân số trẻ, thị trường mới nổi, mảng bán lẻ có rất nhiều cơ hội cho các DN tham gia. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh được với làn sóng ngoại nhập với những chiến lược kinh doanh bài bản, các DN bán lẻ nội cần phải có sự đầu tư, nâng cao hơn nữa về năng lực quản trị cũng như khả năng nắm bắt thông tin thị trường.
Nhận định về vấn đề này, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, sự có mặt và liên tục mở rộng quy mô của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới đang khiến cạnh tranh trong lĩnh vực này của các nhà bán lẻ Việt Nam ngày càng khó khăn.
Đồng thời, theo vị chuyên gia này, áp lực cạnh tranh cũng dẫn đến hệ quả một số lượng đáng kể các nhà bán lẻ bị “đào thải” và đã rời khỏi thị trường Việt Nam, còn nhà sản xuất nội địa khó đưa hàng hoá vào hệ thống bán lẻ nước ngoài. Và đương nhiên, để có thể trụ vững trên “đường đua khốc liệt” này, các DN bán lẻ nội không còn cách nào khác phải nâng sức cạnh tranh và chủ động tìm cho mình những hướng đi riêng.
Nhiều ý kiến cho rằng, xu hướng mua bán và sáp nhập mạnh mẽ như hiện nay chưa hẳn đã là “án tử” đối với các DN nội. Ngược lại, những thách thức đó lại mang đến cơ hội mới cho các DN trong nước.
Theo ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP đầu tư Thế giới di động, sự “đổ bộ” mạnh mẽ của các DN nước ngoài tạo ra những thách thức đối với DN bán lẻ trong nước song cũng chính là cơ hội để các DN nội học hỏi về cách quản trị vốn và hệ thống hoạt động, đó là những kinh nghiệm, bài học chỉ có thể đạt được qua quá trình va chạm và hợp tác với các DN lớn.
Còn theo quan điểm của ông Alex Crane - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, việc mua bán và sáp nhập sẽ trở thành xu hướng trong năm 2017 tới cũng như các năm tiếp theo. Vị chuyên gia này cho rằng, thị trường Việt Nam rất cần có sự đầu tư chuyên môn từ các doanh nghiệp nước ngoài.
“Khối ngoại vốn có nhiều kinh nghiệm trong việc mang đến những sản phẩm bán lẻ chất lượng cũng như đưa các nhà bán lẻ chất lượng vào thị trường Việt Nam” - ông Alex Crane nhận định.
Nhiều chuyên gia ngành bán lẻ cũng cho rằng, thời kỳ hội nhập, xu hướng mua bán và sáp nhập là tất yếu, các DN nội phải chấp nhận cạnh tranh và hợp tác, trên cơ sở đó học tập và tiếp thu những điểm mạnh của các DN FDI để tự hoàn thiện mình.