Sức ép giải ngân vốn đầu tư công trong nửa cuối năm 2021 là rất lớn khi tỷ lệ còn lại phải thực hiện lên tới hơn 70%.
Địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp
Năm 2021, tổng kế hoạch vốn được bố trí đầu tư là hơn 578,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2021 là 74,1 nghìn tỷ đồng; kế hoạch vốn giao trong năm 2021 là 510,3 nghìn tỷ đồng.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư từ đầu năm đến hết 30/6 đạt 153,4 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 26,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (33,04%), trong đó, vốn trong nước đạt 27,84%, vốn nước ngoài đạt 12,04% (cùng kỳ năm 2020 đạt 10,48%). Đáng chú ý, đến thời điểm này, hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, 37/50 bộ và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm là do dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương. Trong đó với các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so với các dự án vay vốn trong nước do hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, dẫn đến nhiều dự án không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành nên không có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân.
Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) chỉ ra nguyên nhân chủ quan đó là: Dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, thậm chí chưa hoàn thành thủ tục đàm phán hoặc chưa ký hiệp định vay nhưng đã được bố trí vốn; dự án đã đề xuất dừng triển khai nhưng vẫn được bố trí dự toán, phải hủy dự toán…
Ngoài ra theo nhìn nhận, giải ngân vốn đầu tư công chậm còn do trách nhiệm người sử dụng vốn chưa được đề cao, chất lượng chuẩn bị dự án chưa đạt yêu cầu, phải liên tục điều chỉnh.
Năng lực triển khai còn yếu kém, chậm trễ trong công tác đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu… Bên cạnh đó là vướng mắc thực thi quy định pháp luật như chậm giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong tái định cư; vướng mắc trong triển khai các quy định mới liên quan tới quản lý định mức đầu tư…
Sức ép giải ngân
Không quá khó để chỉ ra các dự án đầu tư công chậm giải ngân vốn. Đó vẫn là dự án quen thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giải ngân được hơn 3.600/15.000 tỷ đồng của năm), hay sân bay Long Thành cũng trong hoàn cảnh tương tự. Tiến độ dự án này đang gặp một số vướng mắc liên quan tới giải phóng mặt bằng (mới đạt trên 97% mặt bằng sạch), thiếu vật liệu, đất đắp nền đường.
Giới chuyên gia cho rằng, để đầu tư công thực sự trở thành trụ cột “kéo” tăng trưởng kinh tế cần phải thực hiện nghiêm chỉnh ngay từ khâu lập kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, đặc biệt tập trung bố trí vốn cho các dự án trọng điểm.
Còn đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, cần kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu hay có những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân; lấy kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Do đó, trong ngắn hạn, bên cạnh nhiệm vụ thường trực là quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả thì về mặt kinh tế, việc quyết liệt tháo gỡ và thúc đẩy đầu tư công trong 6 tháng cuối năm cần trở thành ưu tiên trọng tâm, để cùng với đà phục hồi của xuất khẩu và tiêu dùng trong nước sẽ giúp cho kinh tế bật dậy trong nửa cuối năm nay, giúp lấy lại toàn bộ những “thiệt hại” về tăng trưởng GDP mà đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 gây ra, qua đó hoàn thành mục tiêu đã đặt ra cho cả năm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định, luôn coi công tác giải ngân vốn đầu tư công trong và ngoài nước là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới.