Áp lực giáo viên mầm non

Mai Linh 11/12/2016 09:05

Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao về nhiều vụ việc bạo hành trẻ mầm non khiến xã hội bức xúc. Vấn đề này thực sự là nỗi lo của các bậc phụ huynh nhưng cũng là bài học và áp lực nặng nề đối với đội ngũ giáo viên mầm non. Nhiều người tỏ ra chán nản, thậm chí muốn bỏ nghề.

Ảnh minh họa.

Lo cho học sinh hơn cả con mình

Có mặt từ 7h sáng ở một số trường mầm non công lập trên địa bàn Hà Nội để tham khảo công việc của đội ngũ giáo viên đặc thù này.

Từ khi cổng trường mở ra, đón những em bé đầu tiên được bố mẹ đưa đến cho đến khi trao trả cháu cuối cùng cho gia đình là khoảng 9-10 giờ làm việc khá căng thẳng của giáo viên mầm non.

Các cô giáo thường tất bật ngay từ khi ngày làm việc mới bắt đầu. Riêng việc ổn định lớp để bắt đầu buổi học cũng mất khá nhiều thời gian và công sức.

Dù đã được nhắc nhở và rèn luyện thường xuyên song ở lứa tuổi này hầu như các cháu đều nhanh quên nề nếp. Vừa ổn định trẻ ngồi ngay hàng thẳng lối thì chỉ một lát, lũ trẻ lại quay sang trêu chọc nhau chí chóe, có cháu làm quen với lớp đã mấy tháng rồi mà sáng nào đến cũng khóc.

Nếu tỏ ra yêu chiều quá để cháu ngừng khóc khi bố mẹ đưa đến là các buổi sau vẫn thế, nên rèn học sinh phải kiên trì như con mình, vừa khỏe cô vừa vui trẻ.

Sáng ấy, trong giờ học của lớp mẫu giáo nhỡ về chủ đề gia đình, cô giáo Minh Hạnh (Trường Mầm non Lạc Trung) chuẩn bị khá chu đáo những tranh ảnh của một đại gia đình gồm nhiều thế hệ để minh họa cho bài giảng.

Thời tiết đầu đông se lạnh, gần 50 học sinh ngồi xếp ngay ngắn theo hình chữ U khá yên lặng nghe cô giáo dạy về những thành viên trong gia đình gồm 3 thế hệ, ông bà, cha mẹ, con cái.

Không khí lớp học khá vui tươi, sôi nổi với sự tương tác thực sự giữa giáo viên và học sinh. Không chỉ cô nói gì là đúng hết, có bạn mạnh dạn nói nhà con nhiều người hơn cô giáo dạy, đó là có cả cụ nữa…

Nhưng thực sự không khí học nghiêm túc chỉ được khoảng hơn 20 phút là các con ngọ nguậy, thậm chí có bé cứ chạy đi chạy lại liên tục. Cô nhắc nhở, ngồi vào chỗ lại quay sang trêu bạn, rồi chạy đi uống nước, vệ sinh…

Theo cô Hạnh, thường thì tiết học sẽ loãng đi nhưng không vì thế mà trách các con được. Thực ra, bản thân các cô giáo cũng nỗ lực tìm cách cuốn hút học sinh đến cuối tiết dạy và làm thế nào để các con mới 3-4 tuổi chịu lắng nghe là cả một nghệ thuật.

Buổi trưa, thời điểm các cháu ăn nghỉ thì cô lại vận động liên tục. Hết chia cơm đến nhắc nhở tiến độ ăn, hướng dẫn cách ăn sao cho vừa nhanh vừa sạch. Với những cháu khỏe mạnh thì ăn uống nhanh gọn, sạch sẽ, cháu lười ăn nhai trệu trạo mãi được vài miếng, mỗi cô phải bón cùng lúc cho vài cháu để đảm bảo bữa ăn kết thúc đúng giờ và quan trọng là các cháu không bị đói khi về chiều. Các cháu có no, khỏe thì mới chơi ngoan được.

Chuyện đổ cơm vào người gần như hôm nào cũng có. Lại phải lau người, thay quần áo, rồi tất bật lấy bát cơm khác cho con ăn, việc này không lười được vì các con đói lại quấy khóc còn vất vả hơn- cô Tân Huyền, Trường mẫu giáo Mai Động chia sẻ.

Cô Hạnh chia sẻ, thời gian qua nhiều clip tung lên mạng xã hội tố cáo một số bảo mẫu bực tức, cắm cảu và có những hành vi phản cảm khi bón cơm cho các cháu là chuyện rất đau lòng của những người làm nghề.

Khi bước vào nghề đến những ngày này khi đã có đến gần 20 năm trong nghề chúng tôi luôn xác định yêu trẻ như con, thậm chí lo cho học sinh hơn cả con mình. Vì không may con mình có bị ngã hay xây xát gì mình hiểu, chứ với cha mẹ học sinh họ khó ăn khó nói lắm, nhiều người không thông cảm căn vặn đủ điều.

Khi các con ngủ thường là thời điểm các cô được nghỉ ngơi, nhưng nỗi lo khác lại đến. Với giáo viên có kinh nghiệm nhìn cháu nào có dấu hiệu buồn đi vệ sinh, nhắc nhở kịp thời thì sạch sẽ nhưng với những cô giáo trẻ thì việc này khá nan giải.

Cô Nguyễn Quỳnh Ngọc- Trường Mẫu giáo Bạch Mai giãi bày: Giai đoạn bước vào năm học mới, hầu như ngày nào cũng có cháu bĩnh ra quần, thay giặt trong những trường hợp này mất khá nhiều thời gian. Mùa hè không sao, chứ mùa đông rét mướt thì cả cô và trò đều khổ.

Điều nữa hết sức quan trọng là lưu ý sức khỏe các cháu khi ngủ, nhiều cháu bị lạnh ho, nôn trớ, cũng có cháu khó thở khi xoay người năm sấp… Tất cả những chi tiết nhỏ ấy đều được các cô nhắc nhau lưu tâm.

Bữa ăn phụ buổi chiều bắt đầu khi các con thức giấc, bữa này gọn nhẹ hơn nhưng lại hay xảy ra tranh chấp. “Bản năng tranh dành của trẻ sẽ trỗi dậy mỗi khi thấy cô giáo chưa công bằng. Khi ấy các cô lại trong vai quan tòa xét xử đủ các chuyện thưa gửi. Bực đấy, nhưng nhiều khi cũng vui đến bật buồn cười vì như thế cũng phát huy được sự tự chủ và khả năng giao tiếp cho trẻ”... Cô Minh Hương- Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ chia sẻ.

Khoảng thời gian 30 phút đưa trẻ xuống sân trường chơi giúp học sinh hòa nhập thiên nhiên mỗi ngày là lúc các cô căng thẳng nhất. Cô Hương kể có cháu gái mải chơi cầu trượt, không may vướng rách áo, phụ huynh căn vặn và trách móc cô giáo mãi.

Vất vả của nghề thì không kể hết nhưng các cô sợ nhất chính là không may các con bị ngã hay va chạm nhỏ giữa các con gây xây xát. Có người mang con đến lớp còn gọi mày xưng tao, dọa dẫm khiến cô giáo sợ phát khóc.

Theo cô Nguyễn Thanh Trà- Hiệu trưởng Trường Mầm non Bim Bon – Linh Đàm, có lẽ điều cô giáo nào cũng canh cánh bên lòng mỗi khi đến trường là đảm bảo an toàn cho tính mạng của học sinh.

Từ lúc đón trẻ đến dạy học, ăn, uống, lúc vui chơi hay trong giấc ngủ... các cô đều phải theo dõi, xử lý và kịp thời báo cho phụ huynh. Những áp lực ấy khiến các cô chỉ khi bước chân ra khỏi cổng trường mới có thể thở phào.

Cái khó bó cái tình

Theo thống kê của Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT đến hết năm 2014 tỷ lệ giáo viên trong biên chế của bậc mầm non là thấp nhất. Cụ thể, tỷ lệ này là 56,7%, trong đó giáo viên mẫu giáo đạt 67%.

Có những giáo viên làm hợp đồng mấy năm trời, hết trường này chuyển sang trường kia nhưng vẫn chưa được tuyển chính thức, thậm chí còn bị chấm dứt hợp đồng.

Lương của giáo viên hợp đồng phụ thuộc vào khả năng ngân sách và mức độ quan tâm của mỗi địa phương, khoảng từ 2-4 triệu đồng, cộng với áp lực công việc, trong khi hợp đồng lại bấp bênh (cứ 1 năm ký lại hợp đồng một lần) cho thấy “cửa” để trở thành một viên chức nhà nước quá hẹp, khiến nhiều cô giáo mầm non nản chí tính đến chuyện bỏ nghề.

Cô Nguyễn Thu Hằng- Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng cho biết: Giáo viên mầm non có thời gian lao động thực tế lên tới 10 tiếng, từ lúc đến trường là quần quật cho đến 5h chiều, thậm chí là muộn hơn nếu có phụ huynh không đến đón con đúng giờ.

Một lớp có khoảng 40 – 50 cháu với 2 cô giáo vì thế muốn lớp ổn định thì cô gần như lúc nào cũng luôn tay luôn chân. Các cháu chưa thể nhận thức được những việc làm của mình nên không thể tránh khỏi việc các cháu nhỏ cào cấu nhau, mỗi hành động đều tiềm ẩn những mối nguy cơ...

Khá ngạc nhiên khi giáo dục mầm non cũng là một trong những vấn đề nóng được đặt ra tại kỳ họp thứ ba, khóa IX Đại biểu HĐND TP HCM vừa qua.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Lê Hồng Sơn cho biết, hiện nay các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố thiếu gần 800 giáo viên mầm non.

Theo đại biểu Phan Thị Hồng Xuân, bà vừa tham gia một hội thảo về chủ đề này thì người ta đã thống kê công việc của một người nuôi dạy trẻ còn nặng nhọc hơn thợ hồ nhưng tiền lương thì không tương xứng, mà hầu hết giáo viên mầm non là nữ giới, làm việc từ sáng sớm đến chiều tối.

Có lẽ đúng như các cô giáo đã tâm sự, chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ mới giúp các cô bám trụ với nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực giáo viên mầm non