Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội cho rằng, áp lực học quá nhiều đã biến nhiều trẻ em trở thành “cụ non”. Học nhưng các em cũng phải được chơi, được hưởng thụ một cách cân đối, đúng mức thì mới phát triển được toàn diện. Nếu non quá mà nhồi nhét kiến thức sẽ không vào, không phát triển nổi.
PV: Với vai trò là một nữ trí thức tiêu biểu, đóng góp nhiều cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, bà đánh giá như thế nào về thực trạng giáo dục Thủ đô hiện nay?
Bà Bùi Thị An: TP Hà Nội luôn đặt giáo dục ở vị trí số 1 và luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Kinh tế có thể sau TP khác nhưng Hà Nội phải là trung tâm văn hóa, khoa học, chính trị và giáo dục của cả nước. Nhìn tổng thể giai đoạn vừa rồi, chất lượng giáo dục Thủ đô bắt đầu có nhiều chuyển biến, có những thành tựu nhất định. Để đạt được kết quả đó cần có rất nhiều biện pháp như: Cơ chế, chính sách hỗ trợ, xóa khoảng trống của các trường mầm non… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số vấn đề đó là sự chênh lệch giữa trường ở các quận nội thành và trường ở khu vực ngoại thành. Bên cạnh đó, học quá nhiều đã gây ra nhiều căng thẳng đối với trẻ em. Áp lực học quá nhiều... biến trẻ em trở thành “các cụ già”. Hiện tượng này cho thấy việc đầu tư cho giáo dục, kể cả đầu tư về chất lượng chưa được đồng đều.
Hiện nay, nhiều quận trên địa bàn TP đã phá vỡ quy hoạch xây dựng, các tòa chung cư mọc lên như nấm nhưng hạ tầng giáo dục lại thiếu, không đảm bảo đủ cho trẻ em. Vừa rồi, tại quận Hoàng Mai có hiện tượng bốc thăm để con có suất vào trường mầm non công lập. Đây không phải là lỗi của lãnh đạo quận Hoàng Mai bây giờ mà là lỗi của nhiều năm trước, lỗi trong đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục không đủ nên cần phải sửa đổi ngay. Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đã thu hồi một số địa điểm “đất vàng” để dành cho việc xây trường học. Đây là việc làm rất tốt. Nếu việc này cũng được thực hiện ở các quận, huyện khác thì quá tốt.
Bà đánh giá như thế nào về việc TP Hà Nội sẽ có cơ chế hỗ trợ học phí cho một số đối tượng đặc thù là trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn TP, năm học 2022-2023?
- Tôi cho rằng Nghị quyết này rất kịp thời, bởi vì trong suốt hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 làm cho chuỗi sản xuất bị đứt đoạn, rất nhiều người gặp khó khăn. Do đó, 100 nghìn đồng đối với những gia đình trung lưu không đáng là bao nhưng số tiền đấy lại rất có ý nghĩa đối với gia đình khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Cho nên Nghị quyết để hỗ trợ trẻ em mầm non, học sinh phổ thông ở các cơ sở công lập vô cùng cần thiết. Điều này thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội ta, trong đó có Thủ đô Hà Nội để không ai bị bỏ lại phía sau, để tất cả các em đều có quyền đến lớp, đến trường. Các em đều có quyền cắp sách đi học và có quyền hưởng thụ những cái đã được hiến định.
Như bà vừa nói, hiện nay học sinh đang phải học quá nhiều. Nhiều trẻ em vô tình trở thành những “cụ non”, bị đánh cắp tuổi thơ. Theo bà, chúng ta cần có giải pháp nào để gỡ khó việc này?
-Về việc này tôi đã kiến nghị rất nhiều với ngành giáo dục là phải xem lại chương trình để các em được học theo đúng lứa tuổi. Học nhưng các em cũng phải được chơi, được hưởng thụ một cách cân đối, đúng mức thì mới phát triển được toàn diện. Nếu non quá mà nhồi nhét kiến thức sẽ không vào, không phát triển nổi. Chúng ta không mong gì thế hệ trẻ của chúng ta sẽ trở thành những người thiếu cân đối như thế. Chúng ta cần thế hệ trẻ, tương lai của chúng ta là những em hiểu biết, khỏe mạnh, trí tuệ, yêu đất nước, yêu Thủ đô và lao động hết mình. Muốn được như vậy phải để các em phát triển toàn diện từ bé. Tôi đề nghị, nên nhìn tổng thể chương trình như thế nào cho chuẩn đối với từng cấp học. Mầm non là gì? Mẫu giáo là gì? Trung học cơ sở, THPT là gì? Hãy để các em vui chơi, tự tin, hồ hởi, các em biết ngắm nhìn bầu trời nhưng các em cũng rất giỏi về mặt chuyên môn và kiến thức. Đó mới là mục tiêu của giáo dục Việt Nam.
Vai trò của MTTQ rất quan trọng, nhất là giám sát và phản biện xã hội. Vậy, để giáo dục Thủ đô phát triển, MTTQ cũng nên tham gia vào giám sát, phản biện ở lĩnh vực này, thưa bà?
- Có thể nói thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội mà theo Điều 9 của Hiến pháp quy định về vai trò của MTTQ, tôi cho rằng MTTQ các cấp trên địa bàn TP đã tham gia khá tích cực trong tất cả các lĩnh vực, không riêng gì giáo dục, nhưng giáo dục và văn hóa thì MTTQ TP đã có những lưu tâm đặc biệt. Đây có lẽ là cái khung, cái nền để phát triển đất nước cũng như giáo dục Thủ đô. Với quan niệm giáo dục là quốc sách hàng đầu, nên MTTQ các cấp trên địa bàn TP Hà Nội đã thực hiện rất tốt chức năng này. Những ý kiến đóng góp của MTTQ đã được các đơn vị chuyên môn lắng nghe, được UBND tiếp thu và chỉnh sửa ngay. Nói như vậy nhưng MTTQ các cấp trên địa bàn TP cũng cần tăng cường, giám sát cụ thể các Nghị quyết đã được ban hành, không chỉ riêng giáo dục mà ở tất cả các lĩnh vực khác. Như chúng ta biết, chủ trương thường đúng nhưng tổ chức, thực hiện không phải lúc nào cũng như mong muốn, làm dân không hài lòng. Dân không hài lòng thì không đạt được mục tiêu của chúng ta. Do đó, tôi đề nghị MTTQ TP Hà Nội cần đẩy mạnh giám sát thực tiễn ở lĩnh vực này.
Trân trọng cảm ơn bà!