Xung đột ở Trung Đông, cuộc đình công tại các cảng của Mỹ, các vấn đề ở Kênh đào Panama… là một loạt các vấn đề mới có thể tạo ra cuộc khủng hoảng cho các nhà xuất nhập khẩu.
“Nín thở” trước xung đột
Với một đại dịch đã làm đảo lộn hoạt động thương mại toàn cầu thông qua lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại, hiện chuỗi cung ứng quốc tế lại chịu áp lực. Các nhà vận chuyển đang phải đối mặt với vô số vấn đề từ xung đột ở Trung Đông và hạn hán ở Trung Mỹ cho đến hành động đình công ở Mỹ. Các công ty đang thấy việc vận chuyển hàng hóa trở nên khó khăn và tốn kém hơn.
Đứng đầu danh sách này là sự gián đoạn ở Trung Đông và tác động đến hoạt động thương mại qua Biển Đỏ. Lưu lượng giao thông đã giảm mạnh 2/3 qua tuyến vận chuyển chính kể từ khi phiến quân Houthi bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công tàu biển vào năm ngoái. Tuyến đường này chiếm 12% tổng lượng thương mại toàn cầu trước khi các cuộc tấn công bắt đầu. Nhiều công ty, bao gồm các công ty vận tải biển lớn như Maersk, đã từ bỏ tuyến đường này, thay vào đó chọn đi vòng qua Mũi Hảo Vọng dù có thể mất thêm 10 ngày cho hành trình và chi phí tăng đáng kể.
Thêm vào đó, căng thẳng mới bùng phát ở Trung Đông trong những ngày gần đây đã làm dấy lên lo ngại rằng, nhiều tàu sẽ tránh tuyến đường này hơn nữa.
Ông Peter Sand - nhà phân tích chính tại nền tảng phân tích vận tải biển Xeneta - tin rằng, sự leo thang mới nhất sẽ chỉ có tác động nhỏ, vì hầu hết các tàu container hiện đang tránh Biển Đỏ. Tuy nhiên, ông Sand cảnh báo, "tình hình địa chính trị xấu đi hơn nữa có nghĩa là việc các tàu container quay trở lại khu vực Biển Đỏ trên diện rộng có vẻ là viễn cảnh xa vời hơn".
Riêng lưu lượng qua Kênh đào Panama cũng đã giảm sau khi hạn hán buộc đơn vị khai thác phải giảm giới hạn số lượng tàu có thể đi qua vào đầu năm nay, từ 36 tàu một ngày xuống còn 20 tàu.
Nỗi lo về gián đoạn thương mại đã trở nên trầm trọng hơn do các cuộc đình công của công nhân cảng ở bờ biển phía đông nước Mỹ. Ngày 1/10, gần 50.000 thành viên của Hiệp hội công nhân bốc xếp quốc tế đã đình công vô thời hạn, ảnh hưởng đến 14 cảng trên khắp bờ biển phía Đông của Mỹ.
Ông Marco Forgione - Tổng Giám đốc tại Viện Xuất khẩu và Thương mại quốc tế - cho biết, tình trạng hiện nay cho chúng ta thấy rằng, chuỗi cung ứng vốn rất mong manh đang phải đối mặt với áp lực đặc biệt. Theo ông Forgion, xung đột ở Ukraine và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cũng như các sự kiện như vụ sập cầu Baltimore đã làm tăng thêm áp lực cho chuỗi cung ứng.
Cho đến nay, tác động lớn nhất từ sự gián đoạn này là chi phí vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp. Các công ty vận tải lựa chọn tuyến đường Mũi Hảo Vọng phải đối mặt với chi phí nhiên liệu tăng thêm 40%, trong khi giá container cũng tăng.
Theo Xeneta, giá giao ngay cho các container 40ft vận chuyển di chuyển giữa Đông Á và Bắc Âu là 8.587 USD/container khi thị trường đạt đỉnh vào tháng 7 - cao hơn 468% so với tháng 12/2023, trước khi các cuộc tấn công của Houthi gia tăng.
Các cuộc đình công tại cảng của Mỹ đã ảnh hưởng đến giá container từ Bắc Âu đến bờ biển phía Đông của Mỹ, với giá trung bình của một container 40ft vào ngày 1/10 là 2.861 USD, so với 1.836 USD vào cuối tháng 8.
Sự gián đoạn - đặc biệt là ở Biển Đỏ - cũng khiến thời gian giao hàng của các công ty kéo dài hơn. Đầu năm nay, các nhà sản xuất và nhà bán lẻ cho biết, việc chuyển hướng vận chuyển quanh châu Phi để tránh Biển Đỏ đã làm thời gian giao hàng tăng thêm 4 tuần.
Triển vọng về giá dầu
Tờ Guardian đưa tin cho biết, khi giá dầu tăng trong ngày thứ hai liên tiếp lên gần 76 USD/thùng vào ngày 2/10, từ mức 71 USD hôm đầu tuần, một số nhà phân tích tin rằng, giá có thể vượt 80 USD trong vài ngày tới.
Thị trường đang chuẩn bị cho mối đe dọa tiềm tàng đối với sản lượng dầu thô của Iran nếu Israel trả đũa cơ sở hạ tầng dầu mỏ của nước này. Theo ước tính của Goldman Sachs, Iran có thể sản xuất 1 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhưng có thể có thêm sự gián đoạn đối với nguồn cung nếu các vấn đề với các tuyến vận chuyển chính qua Biển Đỏ ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu thô từ khu vực Trung Đông rộng lớn.
Goldman Sachs cảnh báo, trong một “kịch bản không chắc chắn xảy ra”, việc gián đoạn hoạt động buôn bán dầu qua eo biển Hormuz - một tuyến đường thủy hẹp ở cửa Vịnh Ba Tư - sẽ dẫn đến việc giá dầu tăng đột biến.
Theo các nhà phân tích của Citigroup, bất kỳ sự đóng cửa nào tại Eo biển Hormuz cũng sẽ tạo ra một bước ngoặt đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu và nền kinh tế thế giới. "Trong một kịch bản như vậy, thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ ở trong vùng biển chưa được khám phá, khi giá dầu có khả năng tăng đột biến và đáng kể vượt xa mức cao kỷ lục trước đó" - lưu ý của Citigroup.
Tuy nhiên, Shaudi Arabia cho biết, giá dầu thực sự có thể giảm xuống còn khoảng 50 USD/thùng do tình trạng dư cung khi nước này cố gắng giành lại thị phần.
Chia sẻ với CNN, ông Kevin Book - Giám đốc điều hành tại ClearView Energy Partners cho biết, ông tin rằng thị trường dầu mỏ hiện đang đánh giá thấp rủi ro ở Trung Đông. Nếu Israel tấn công các cơ sở năng lượng của Iran, giá dầu thế giới có thể tăng vọt từ khoảng 74 USD hiện nay lên 86 USD/thùng.
Theo ông Marco Forgione - Tổng Giám đốc Viện Xuất khẩu và Thương mại quốc tế, sự gián đoạn liên tục cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng. “Nơi nào có sự bất ổn và không chắc chắn, tác động sẽ là giá tăng, xuất hiện suy thoái, lạm phát hoặc các vấn đề về khả năng cung cấp” – ông Forgione nói.