Công nghệ phát triển đã tạo ra ưu thế vượt trội của sách điện tử so với sách in giấy. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người ta có thể đọc, xem bất cứ lúc nào. Còn đọc sách văn học, phải bỏ tiền mua sách vả lại cũng không phải lúc nào cũng mang ra mà đọc.
Văn chương “mỳ ăn liền”
Mặc dù trên internet vẫn có thể tìm được những trang đưa những tác phẩm văn học có giá trị, nhưng bạn đọc ngày nay chịu nhiều áp lực công việc nên họ chọn đọc những gì nhanh, ngắn gọn, mang tính giải trí, gần với công việc đời sống của họ mà ta vẫn gọi đó là thứ văn chương “mỳ ăn liền”. Còn những tác phẩm kinh điển có khả năng mở mang tầm mắt, làm giàu tâm hồn, dung dưỡng những giá trị nhân văn lớn lao và kiến văn sâu rộng về nội tâm của con người, làm cho họ có nghị lực sống mạnh mẽ hơn, nhân bản hơn thì lại bị lãnh đạm dần. Nhất là những tác phẩm in giấy ngày càng trở nên xa lạ, thậm chí bị ghẻ lạnh.
Theo nhà văn Lê Hoài Nam, nhiều người không chỉ lạnh nhạt với tác phẩm văn chương kinh điển của nước ngoài mà ngay cả những tác phẩm kinh điển ở trong nước cũng ít mặn mà. Thời nào cũng vậy, văn học chỉ có thể phát triển mạnh mẽ khi có sự tương tác của công chúng, bạn đọc. Cũng giống như những người làm vườn, nếu không tiêu thụ sản phẩm thì rất khó khích lệ họ làm ra nhiều sản phẩm chất lượng cao. Hiện nay ở nước ta, một cuốn tiểu thuyết viết ra chỉ dám in nhiều nhất là 1000 bản, thường chỉ 500 đến 800 bản, nhà văn phải bỏ tiền xuất bản là chính. Sách bán trên thị trường rất khó khăn. Thường là để tặng bạn bè hoặc những ai còn có chút vấn vương với văn học.
Không những vậy, do số lượng xuất bản khiêm tốn nên phần lớn tác phẩm viết ra hầu hết chỉ được bán ở các thành phố lớn cho dù phát hành theo hình thức nào. Còn ở nông thôn hầu như ngày nay chỉ còn hiệu bán sách giáo khoa chứ không còn cửa hiệu bán tác phẩm văn học. Một phần rất lớn dân cư nông thôn đã trở nên xa lạ với tác phẩm văn chương. Cũng có một số thư viện văn hóa mọc lên theo trào lưu xây dựng nông thôn mới, nhưng sách đưa về hầu hết là của những người viết nghiệp dư hoạt động trong những câu lạc bộ đang mọc lên như nấm sau mưa.
“Họ là những người có điều kiện về kinh tế nên không khó khăn gì xuất bản mỗi năm một đầu sách. Những cuốn sách đó không những không khơi dậy nổi tình yêu văn học mà ngược lại còn làm cho người nông thôn hiểu sai về văn học. Và rốt cục thứ sách đó chỉ mang giá trị bày cho đẹp thư viện nhưng không ai đoái hoài đến nữa” - nhà văn Lê Hoài Nam nhận xét.
Những rào cản vô hình
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, đời sống văn học đang có sự chuyển giao, đòi hỏi người cầm bút phải thích ứng. Thế nhưng có một thực tế hiện nay là hầu hết các nhà văn Việt Nam đều thuộc tầng lớp thu nhập thấp. Sách viết ra không có tiền in. Tiền tài trợ của nhà nước chỉ góp một phần nhỏ. Đấy là chưa kể một số hội văn nghệ địa phương hiện nay tiền tài trợ chia theo đầu người.
Nhìn nhận về các sáng tác văn học đề tài lịch sử, nhà văn Phùng Văn Khai - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho rằng, những gì làm được, đặc biệt trong lĩnh vực văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử còn quá mỏng manh, sơ lược, nhiều khoảng trống, nhiều giai đoạn đứt gãy… Các nhà văn chuyên tâm về đề tài lịch sử luôn gặp vô vàn khó khăn. Khó khăn trước tiên dường như còn đó những vùng cấm bất thành văn bản. Chúng ta không chỉ sợ hãi mà còn luôn cố tình né tránh những góc khuất, bí ẩn, bi kịch lịch sử. Bên cạnh đó, khó khăn thứ hai đến từ nguồn tư liệu vô cùng ít ỏi, có không ít những lầm lạc, thiên kiến của các sử gia phong kiến khi nhìn nhận về các nhân vật lịch sử tiêu biểu. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất hiện nay bản thân các nhà văn. Đã có không ít người xem nhẹ, thờ ơ, không coi trọng đề tài lịch sử.
“Những đóng góp để xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại không chỉ là nhiệm vụ riêng của các nhà văn, càng không phải sự hô hào, định hướng, thậm chí là chỉ tiêu của các cấp quản lý, dù là quản lý ở cấp cao nhất. Để có được vấn đề trên trước hết đòi hỏi sự trưởng thành toàn diện của chúng ta trong đó chủ chốt là các nhà văn. Các nhà văn hiện nay dường như đang phải đối mặt với sự quan sát, dẫn dắt, định hướng khá khe khắt và giáo điều… Điều này chắc chắn phương hại đến văn học và xem ra con đường xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại ngày một gian khó hơn” - nhà văn Phùng Văn Khai bày tỏ.
Theo nhà văn Lê Hoài Nam, với các nhà văn, nếu chúng ta coi văn chương là cái nghiệp của đời mình thì không hẳn cứ phải chờ đợi đến lúc công chúng “trống giong, cờ mở” chào đón mới nhiệt thành sáng tác. Hãy nhìn vào các tấm gương của người xưa như thi hào Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… So với họ, các nhà văn của chúng ta hôm nay không thể nói là không có điều kiện để sáng tác. Tuy vậy họ vẫn có quyền mong muốn một cuộc sống tốt hơn, phù hợp với sự phát triển của đất nước hôm nay.