Đã viết văn thì không được vội

Thư Hoàng 25/06/2017 09:05

Văn ở đây được khu biệt cụ thể hơn, đó là tiểu thuyết lịch sử. Và người chủ ý thực hiện theo quan niệm ấy, là Lưu Sơn Minh- tác giả của những tiểu thuyết về nhà Trần, mà mới đây là cuốn “Trần Quốc Toản”.

Nhà văn Lưu Sơn Minh.

1. Trò chuyện với Lưu Sơn Minh trong căn phòng đầy ắp những cuốn sách lịch sử, anh quả quyết, chỉ viết khi thấy cần phải viết. Khi thấy hội đủ các yếu tố, và đặc biệt, cảm nhận thấy nhân vật lịch sử cho phép mình viết thì mới viết. Chứ không cố, không thể thực hiện viết cho xong.

Như với tiểu thuyết “Trần Khánh Dư” ra mắt độc giả năm 2016, sau 8 năm ấp ủ. Hỏi vì sao có sự lâu thế, anh thừa nhận “vì mải chơi, vì nhiều mối quan tâm khác”, nhưng mấu chốt, theo Lưu Sơn Minh, “tôi chỉ viết khi thấy rằng nhân vật đồng ý cho mình viết, chứ tôi không thể thản nhiên “vu” cho nhân vật lịch sử những thứ hư cấu theo một lối nghĩ chủ quan độc đoán của riêng mình được”.

Tác giả cần phải có trách nhiệm với tác phẩm và độc giả của mình. Viết tiểu thuyết lịch sử thì còn cần phải có trách nhiệm với nhân vật. Đó là điều mà nhà văn Lưu Sơn Minh luôn xác quyết. Đồng thời anh quan niệm, viết tiểu thuyết lịch sử không thể vội, không theo kiểu “ăn đấu làm khoán” được. Điều ấy cũng chính là nguồn cơn khiến cho những cuốn sách của Lưu Sơn Minh xuất hiện không nhiều, thậm chí là thưa vắng. Nhưng mỗi cuốn của anh đều để lại những dấu vết.

Với cuốn tiểu thuyết “Trần Quốc Toản” (Đông A và NXB Văn học ấn hành) vừa ra mắt cũng vậy. Anh mất 6 năm để hoàn thành, và được xuất bản lần đầu năm 2005. Nhưng khi đó, là truyện dài. Từ quan niệm nhà văn phải có trách nhiệm với nhân vật và tác phẩm của mình, anh đã dành gần 1 năm trời để biến truyện dài “Trần Quốc Toản” thành cuốn tiểu thuyết. “Khi viết cuốn “Trần Quốc Toản” lần đầu tiên, tôi xác định ngay là viết cho thiếu nhi.

Vì thế có những trăn trở về số phận nhân vật tôi giấu đi. Nhưng rồi, khi hoàn thành tiểu thuyết “Trần Khánh Dư”, tôi quyết định quay trở lại với Trần Quốc Toản. Tôi nghĩ rằng, đã tới lúc phải bổ sung những góc khuất mà tôi đã cố tình giấu kín trước đây. Hơn 10 năm là quãng thời gian đủ dài để tôi thay đổi quan điểm.

Nếu giai đoạn 1999-2005, tôi vẫn muốn kể về Trần Quốc Toản với một cách tiếp cận trong lành và nhẹ nhàng thì tới lúc này, tôi lại muốn kể thêm cho các độc giả trưởng thành và cả chính các em những điều trớ trêu, những xót xa và thân phận “bên lề” của Trần Quốc Toản. Quyết định viết lại từ truyện dài “Trần Quốc Toản” đến tiểu thuyết, tôi thêm khoảng gần 1/3”, nhà văn Lưu Sơn Minh chia sẻ.

2. Viết về Trần Quốc Toản, nhưng Lưu Sơn Minh không đi theo một hình ảnh quen thuộc với lá cờ thêu 6 chữ vàng hay hình ảnh bóp nát quả cam. “Tôi không hình dung Trần Quốc Toản chỉ là một cậu thiếu nhi yêu nước, căm thù giặc từ chuyện bóp nát quả cam đến một cậu thanh niên hăm hở dựng nên lá cờ, một trẻ đi theo và cắm cúi khi người lớn chỉ đánh chỗ nào, xông vào chỗ ấy.

Đơn giản như thế, Trần Quốc Toản không thể lưu danh vào chính sử - vốn được ghi chép bởi các sử gia vô cùng nghiêm khắc. Qua khảo cứu sử liệu, tôi biết Trần Quốc Toản là vị tướng duy nhất trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai, tham gia 3 đại trận Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương”.

Nhà văn sinh năm 1974 chia sẻ và phân tích: “Không phải vị tướng nào cũng có vinh dự như thế mà phải là một dũng tướng, thực sự tài hoa mới được tổng tư lệnh Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tin tưởng giao phó nhiệm vụ. Trần Quốc Toản với đầy đủ cá tính, suy nghĩ và sự trưởng thành sớm đủ đảm đương vai trò dẫn dắt riêng một cánh quân. Một vị tướng như thế, lẽ ra phải đang tự hào vì tài năng chứ không đơn thuần là chỉ tự hào về chí khí. Bên cạnh đó, Trần Quốc Toản cũng hiện lên với hình ảnh rất đẹp, rất đời. Một ông tướng mặc giáp trắng, cưỡi ngựa trắng, sau được ban cho bao đỏ, tung hoành trong trận mạc. Hình ảnh ấy chắc chắn lưu lại trong lòng nhiều cô gái, làm nảy nở những mối tình. Trần Quốc Toản dựng cờ xông pha chiến trận rồi ngã xuống lúc 17 tuổi, ở tuổi ấy chắc hẳn cũng có đầy đủ những suy nghĩ, trăn trở về cuộc đời rồi. Lần này, tôi muốn công chúng đọc được đầy đủ điều ấy”.

Qua những tiểu thuyết của mình đã xuất bản như “Trần Khánh Dư”, “Trần Quốc Toản”, hay cuốn “Bạch Đằng giang” đang viết, nhà văn Lưu Sơn Minh không muốn độc giả đọc xong sẽ ngờ vực, hay so sánh với chính sử.

Bởi, bóng dáng của nhân vật trong chính sử vẫn là mấu cớ để Lưu Sơn Minh phát triển nhân vật. “Dựa trên những dòng chữ ngặt nghèo của lịch sử, tôi cố nhìn xem sau con chữ chứa thông điệp gì. Với Trần Khánh Dư và Trần Quốc Toản, lượng sử liệu rất ít. Tôi tìm kiếm tư liệu về giai đoạn đó, sàng lọc trong những chữ ít ỏi ẩn sâu. Có khi, “khiêng” về cả trăm cân sách, may ra ở trong đấy có được độ 3 - 4 chữ, 1 - 2 dòng đã quý rồi”,

Lưu Sơn Minh nói đồng thời nhấn mạnh: “Mong muốn của tôi là kể lại câu chuyện và người đọc được sống lại cảm giác của thời đại đã qua. Và nếu họ đọc, học một tư liệu khác sẽ đột nhiên nhớ rằng nhân vật hình như có vóc dáng, tâm tư, suy nghĩ ra sao ở thời điểm đó và hình dung về lịch sử đất nước như thế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đã viết văn thì không được vội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO