Vào lúc 19h ngày 29/10, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã phát lệnh cấm tàu thuyền ra khơi để ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 5.
Trong chiều qua, 29/10, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp khẩn để triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 5. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Ninh Thuận, hiện có 692 tàu thuyền/5.549 lao động đang hoạt động trên biển và đã liên lạc, hướng dẫn các tàu thuyền vào khu vực an toàn trú ẩn.
Trước đó, sáng 29/10, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận có Công điện khẩn gửi các ban ngành, địa phương chuẩn bị lực lượng, phương án để ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão và tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; yêu cầu các ngành, địa phương đình tất cả các cuộc họp để tập trung nhân lực ứng phó bão lụt. Theo ông Trần Quốc Nam- Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Phó thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN Ninh Thuận, do chưa lường trước được diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão nên các ngành, địa phương trong tỉnh cần phải có những biện pháp linh động, chủ động cao hơn để hạn chế thiệt hại thấp nhất cho người dân. Riêng đối với các bè nuôi trồng thủy sản ven bờ, thống nhất giao cho các địa phương ven biển chủ động bám sát, theo dõi diễn biến mưa bão để có kế hoạch cho dân ra vào khu vực lồng bè.
Cũng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 31/10 - 3/11 và 6 - 10/11 Thừa Thiên – Huế có khả năng cao xảy ra một đợt mưa to đến rất to tổng lượng mưa có thể từ 300mm – 400mm, có nơi 600mm kèm theo các nguy cơ rất lớn về lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở vùng thấp trũng và đô thị; trên các sông xuất hiện đợt lũ lớn. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị các địa phương thông báo đến chủ các tàu thuyền không được ra khơi kể từ ngày 29/10.
Cũng trong sáng ngày 29/10, tại hội nghị công tác chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, với tính chất rất phức tạp, nguy hiểm. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão, đồng thời chủ động các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, sáng 29/10, tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 200 km về phía Đông, sức gió tối đa 60 km/h (cấp 7), giật cấp 9. hiện áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 km/h và có thể mạnh thành bão. Sáng 30/10, tâm bão cách các tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa khoảng 410 km về phía Đông, sức gió 75 km/h (cấp 8), giật tăng hai cấp. Bão sau đó di chuyển nhanh theo hướng Tây với tốc độ 20-25 km/h, giữ nguyên sức gió, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận.
Dự báo, áp thấp nhiệt đới/bão sẽ gây mưa lớn đặc biệt khu vực miền Trung và Tây Nguyên.