Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Xác định rõ đối tượng chịu thuế

T.Hằng 21/03/2023 07:06

Tại Dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính đề xuất đưa “đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn” vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Tuy nhiên, đề xuất này đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Nước ngọt được đề xuất đưa vào diện chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Khái niệm “đồ uống có đường” chưa rõ ràng

Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, dự thảo sửa đổi Luật Thuế TTĐB đề xuất bổ sung “đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn” vào đối tượng chịu thuế TTĐB là chưa phù hợp với điều kiện tại Việt Nam. Ông Trung bày tỏ lo ngại khái niệm “đồ uống có đường” có thể hiểu là tất cả sản phẩm dùng để uống và có đường như sữa và sản phẩm từ sữa, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, dinh dưỡng cho bệnh nhân, sữa cho phụ nữ mang thai... Đây là mặt hàng rất thiết yếu, được dùng hàng ngày ở mọi gia đình.

Do đó, một khi bị đánh thuế TTĐB sẽ đẩy giá các sản phẩm có lợi cho sức khỏe này tăng lên. “Quy định này sẽ đi ngược lại chủ trương của Chính phủ về tăng cường nâng cao sức khỏe toàn dân và giảm tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em” - ông Trung nói.

Trong kiến nghị gửi tới Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023, Nhóm Công tác thuế và hải quan cho rằng, khi ban hành chính sách thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, đối tượng chịu thuế cũng như cơ sở tính thuế cần được xác định cụ thể và rõ ràng, trong đó: Khái niệm “đồ uống có đường” cần được xác định rõ ràng và cụ thể, đó là đồ uống có chứa đường hay tất cả đồ uống có vị ngọt, bất kể có chứa đường hay không, trên cơ sở tồn tại nhiều loại đồ uống bao gồm nước giải khát có ga/không ga, nước trái cây, sữa có hương vị và các đồ uống làm từ sữa khác, các sản phẩm thay thế sữa có nguồn gốc thực vật có đường, nước tăng lực/ thể thao, trà đá có đường, cà phê pha sẵn, và bột cô đặc.

Phương pháp tính thuế nên là thuế tuyệt đối hay thuế tương đối và có cần thay đổi theo hàm lượng đường/ mức độ ngọt, trên cơ sở sản phẩm có hàm lượng đường/ độ ngọt khác nhau thì sẽ có mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe khác nhau.

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam nghiên cứu kỹ tác động của thuế TTĐB trên đồ uống có đường đối với doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng, đồng thời có cách tiếp cận toàn diện về vấn đề này căn cứ vào thông lệ quốc tế cũng như ý kiến của các DN trong ngành, để việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường không dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa đồ uống có đường và các loại đồ uống khác” - Nhóm Công tác thuế và hải quan bày tỏ trong kiến nghị gửi VFB.

Cần đảm bảo nhiều mục tiêu

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, giới chuyên gia cũng cho rằng cần đảm bảo các vấn đề như mục tiêu của chính sách rõ ràng, chính sách được thiết kế tốt, thúc đẩy tính minh bạch và tính tuân thủ. Xác định rõ đối tượng chịu thuế, tránh nhầm lẫn về đối tượng nào chịu thuế và đối tượng nào không chịu thuế. Cùng với đó, xây dựng phương pháp tính thuế cụ thể và tạo thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp của DN, hạn chế chi phí phát sinh không cần thiết trong việc kê khai thuế; Tham vấn kịp thời và đầy đủ với nhiều bên liên quan trong quá trình xây dựng chính sách để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình xây dựng chính sách.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cộng đồng DN rất kỳ vọng thuế TTĐB đáp ứng được yêu cầu cao hơn, đảm bảo được một môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và DN.

Ông Tuấn cũng băn khoăn liệu đã đủ cơ sở và luận chứng thuyết phục cho việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với những đối tượng mới chưa? Liệu đồ uống có đường có phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh thừa cân béo phì, tiểu đường, tim mạch, để lấy đó làm căn cứ đưa vào diện chịu thuế TTĐB? Thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn liệu có nằm trong phạm vi những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, phải đưa vào đối tượng chịu thuế TTĐB?

Ông Chris Vanloon - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ Amcham tại Đà Nẵng cho rằng, đề xuất này có thể bao gồm cả nhiều loại sản phẩm là thực phẩm thiết yếu cho cuộc sống và tốt cho sức khỏe như sữa và các sản phẩm từ sữa... việc áp dụng thuế TTĐB đối với các sản phẩm này sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của mọi gia đình và sức khỏe của người dân.

Do đó, cần cân nhắc các tác động tiềm ẩn của đề xuất đối với DN và người tiêu dùng so với hiệu quả của nó, dựa trên các bằng chứng khoa học xác đáng và nguyên tắc quản lý rủi ro để tránh những hậu quả không mong muốn cho cộng đồng và xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Xác định rõ đối tượng chịu thuế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO