ASEAN và các vấn đề an ninh khu vực

M.Loan 08/08/2017 06:00

Ngày 7/8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Sông Hằng (MGC) lần thứ 8 được tổ chức với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và người đồng cấp Úc Julie Bishop (thứ hai từ phải sang) tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Úc ngày 6/8. Ảnh: Reuters.

Hội nghị đã rà soát tình hình triển khai Kế hoạch hành động Mekong-Sông Hằng giai đoạn 2016-2018 và thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác trong thời gian tới. Các Bộ trưởng hoan nghênh kết quả đạt được thời gian qua, điển hình là dự án Bảo tàng dệt may truyền thống châu Á tại Siêm Riệp; chương trình học bổng MGC với hơn 900 suất học bổng mỗi năm cấp cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam; dự án Trung tâm lưu trữ dữ liệu chung tại Đại học Nalanda, Ấn Độ. Các Bộ trưởng cũng đánh giá cao việc Quỹ Dự án hiệu quả nhanh MGC đã tài trợ 26 dự án của của các nước Mekong...

Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung và nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Sông Hằng lần thứ 9 tại Singapore trong năm 2018.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tiềm năng của hợp tác MGC và đề xuất một số ưu tiên hợp tác trong thời gian tới gồm: Tăng cường kết nối giao thông giữa Ấn Độ và khu vực Mekong cả về đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không; Hợp tác về tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt về thủ tục hải quan, các quy định vệ sinh và kiểm dịch động thực vật; và Hợp tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, và quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong và sông Hằng.

Cũng trong ngày 7/8, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 18 (với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản); Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7 (với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Australia, New Zealand) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 24 (với sự tham dự của 10 nước ASEAN và 17 đối tác).

Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN +3, các Bộ trưởng thảo luận định hướng hợp tác tương lai, trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực mà các bên quan tâm, cũng như chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 20 của ASEAN+3 vào tháng 11 tới. Tại hội nghị, các Bộ trưởng thông qua kế hoạch hành động cho giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022.

Đáng chú ý là Diễn đàn khu vực (ARF) với lượng lớn các nước tham dự, là nơi trao đổi và tìm hướng hợp tác để giải quyết các bất đồng; những vấn đề được đề cập trong hội nghị, bao gồm chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan, buôn bán người, đối phó với thảm họa thiên tai....

Trước đó, tối 6/8, nước chủ nhà Philipines đã đăng tải Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50. Thông cáo dài 48 trang, kiểm điểm, đánh giá và đề ra phương hướng cụ thể để triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hoá-xã hội. Về các vấn đề quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông, Thông cáo cho biết, một số Bộ trưởng ASEAN bày tỏ lo ngại về vấn đề cải tạo đất và những hoạt động tại các khu vực có thể làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Thông cáo cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Các nước tái khẳng định việc cần tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế và tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, theo đuổi các giải pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982. ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa, kiềm chế trong việc thực hiện các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và hoan nghênh dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông vừa được các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc thông qua.

Trong thông cáo chung, các nước ASEAN cũng đề cập đến vấn đề đối phó với các mối đe dọa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên và tình hình ở Trung Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ASEAN và các vấn đề an ninh khu vực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO