Trong đại dịch Covid-19, những chiếc máy cung cấp gạo miễn phí cho người dân gặp khó khăn của Việt Nam đã gây ấn tượng với truyền thông thế giới về tính nhân văn và sự sáng tạo.
Tác giả Alicia Lee của CNN trong bài viết “Cây ATM cung cấp gạo miễn phí cho những người bị mất việc do Covid-19 tại Việt Nam”, đã dành cho sáng kiến này nhiều lời khen ngợi khi mà “ý tưởng về một chiếc máy nhả ra gạo miễn phí là điều khó trở thành sự thật”. Tuy nhiên, những chiếc “ATM gạo” như thế đã được lắp đặt tại nhiều nơi trên đất nước Việt Nam.
Theo tác giả bài viết, tại Hà Nội, cây ATM đặc biệt này sẽ nhả gạo từ một thùng chứa lớn cho những người có hoàn cảnh khó khăn, bắt đầu từ 8h đến 17h hàng ngày. Những người dân khi có nhu cầu đến lấy gạo được yêu cầu đứng cách nhau 2 mét và phải sát khuẩn tay trước khi nhận gạo. Trong khi đó, cây ATM gạo ở Huế sẽ nhả ra 2 kg gạo miễn phí cho mỗi người dân khi đến lấy. Cây ATM gạo ở Thành phố Hồ Chí Minh thì nhả gạo 24/7 cho người có nhu cầu.
Còn trên Twitter, nhà văn Mỹ Marianne Williamson viết rằng sáng kiến này của Việt Nam nên được áp dụng tại Mỹ, nơi đang có hàng chục triệu người bị mất việc do tác động kinh tế của Covid-19.
Hãng tin Reuters cũng có bài viết “Cây ATM gạo hỗ trợ người dân nghèo Việt Nam trong thời gian giãn cách xã hội” cùng hình ảnh về một người dân đang lấy gạo tại cây ATM gạo ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bản tin của Reuters dẫn lời một người dân bày tỏ, sau khi thông tin về cây ATM gạo qua internet, chị đã đến tận nơi để kiểm chứng và không thể tin rằng đây lại là sự thật. Chị hy vọng những nhà tài trợ sẽ tiếp tục công việc thiện nguyện để những cây ATM gạo sẽ hoạt động cho tới khi dịch bệnh kết thúc.
Bài viết về cây “ATM gạo” tại Việt Nam trên Reuters đã được đăng lại trên nhiều phương tiện truyền thông khác như tờ USNews, New York Post, British Herald, Bangkok Post, UAE’s Gulf News, Australia’s ABC News…, được dư luận quan tâm.
Còn tờ International Business Times cũng có bài viết bày tỏ sự ấn tượng về cây “ATM gạo” tại Việt Nam và ví đây là “một cách khéo léo” để hỗ trợ những người gặp khó khăn vì dịch bệnh.