Mặt trận

“Bà đỡ” cho những người nghèo

Nguyễn Hương 19/12/2023 16:54

Để người nghèo phát triển sản xuất, vươn lên làm chủ cuộc sống cần có nguồn vốn hỗ trợ. Tuy nhiên, không phải ai cũng “dám” vay. Bởi những e ngại về khó khăn trong làm ăn, khả năng trả nợ... Tại Tiền Giang, mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn đã hoá giải những băn khoăn này của bà con.

z4980425731318_8e34061943570e86ed56a7fb01553fb9-1-.jpg
Người dân nghèo tỉnh Tiền Giang được hỗ trợ vay vốn để từng bước vươn lên thoát nghèo.

Nguồn vốn luôn là “điểm nghẽn” trong sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo của những hộ nghèo và cận nghèo. Trong đó, vấn đề không chỉ đặt ra ở việc tiếp cận nguồn vốn mà cả ở khả năng sẵn sàng tiếp nhận nguồn vốn của các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhiều hộ thiếu kiến thức nên không “dám” vay vốn, mặc dù được hưởng những ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong bối cảnh đó, mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị- xã hội nhận uỷ thác, quản lý, tập hợp những hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn để tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh đã góp phần quan trọng tháo gỡ “điểm nghẽn” này.

Đại bàn thị xã Cai Lậy còn không ít Cựu chiến binh có điều kiện kinh tế khó khăn. Song song với tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả giúp hội viên tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hội đứng ra tín chấp để hội viên vay vốn từ nhiều nguồn, trong đó có vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội Cai Lậy để hỗ trợ phát triển sản xuất, mua giống cây trồng (sầu riêng, mít, bưởi da xanh)...

Hiện nay, Hội Cựu Chiến binh thị xã Cai Lậy đã thành lập gần 30 tổ tiết kiệm vay vốn. Nhờ đó, nhiều hội viên mạnh dạn đầu tư vào sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi gia súc, mở trang trại... Trong niềm xúc động và phấn khởi khi cuộc sống gia đình ngày một nâng lên, ông Nguyễn Ngọc Chưởng (ấp Phú Hòa, xã Phú Quý) bộc bạch: “Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn. Song, hiện nay, với sự hỗ trợ của chính quyền, Hội Cựu chiến binh và Tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình tôi từng bước vượt qua khó khăn, an tâm lao động sản xuất. Hiện nay, cuộc sống gia đình tôi tương đối ổn định”.

z4980425362069_cd44f12dd717989105b1d797795b876b.jpg
Mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn trở thành "bệ đỡ" cho người nghèo tỉnh Tiền Giang.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều mô hình giúp người dân thoát nghèo thông qua mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang ra đời năm 2003. Toàn Chi nhánh có 171 điểm giao dịch cố định tại cấp xã. Hiện nay, Ngân hàng đã hình thành 2.740 Tổ Tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị -xã hội: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… nhận ủy thác quản lý. Trước kia, nhiều hộ còn e ngại khi tiếp cận nguồn vốn thì Tổ tiết kiệm và vay vốn đã góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với các đối tượng thụ hưởng kịp thời và tiết giảm chi phí cho người vay.

Việc thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn ấp, khu phố đã giúp cho việc quản lý nguồn vốn được tốt hơn, hộ vay được thuận lợi hơn trong việc bình xét để vay vốn; thực hiện các thủ tục vay vốn dễ dàng và thuận tiện cho việc sinh hoạt định kỳ theo quy ước hoạt động của tổ. Nhờ có vốn kịp thời, các hộ nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Thông qua hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn, công tác truyền thông chính sách, chủ trương mới của Chính phủ được đưa đến với người dân một cách trực quan sinh động; vai trò của các đoàn thể xã hội trong giảm nghèo, an sinh xã hội được phát huy. Từ hiệu quả này, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục tập trung cải thiện nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn để các Tổ có đóng góp tích cực hơn nữa vào giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Bà đỡ” cho những người nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO