Thực tiễn thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hoà giải thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, hàng năm số vụ phạm pháp hình sự được kéo giảm.
Ngày 13/10, tại tỉnh Tây Ninh, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức và trao giải Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV khu vực miền Nam.
Tới dự có ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội thi.
Hội thi thu hút khoảng 600 thí sinh đến từ 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam gồm: Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.
Theo Ban tổ chức, mỗi tiết mục thi, tuỳ theo đặc thù của địa phương, các đội đã sân khấu hoá bằng hình thức kể chuyện, thơ ca, hò, vè... Các câu chuyện được truyền tải trong nội dung thi đều thể hiện các kỹ năng tiêu biểu của các hoà giải viên, nắm chắc các quy định về pháp luật hoà giải, các quy định của pháp luật liên quan đến các lĩnh vực như dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, phòng chống bạo lực gia đình…
Hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn đã hình thành từ rất sớm trong lịch sử Việt Nam, xuất phát từ truyền thống giàu lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, hòa hiếu của con người Việt Nam. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, công tác hoà giải ngày càng được phát huy và trở thành phương thức giải quyết tranh chấp chiếm ưu thế trong hệ thống các phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội ngoài tòa án. Trong quá trình hòa giải, với uy tín, lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, các hòa giải viên luôn là cầu nối kết nối tình đoàn kết, yêu thương, hướng dẫn các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn một cách “thấu tình đạt lý".
Thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/12/2022 cả nước có hơn 86 ngàn tổ hòa giải với gần 540 ngàn hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hỏa giải trên 100 ngàn vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 80%. Với chủ trương tăng cường quyền làm chủ của người dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải ở cơ sở.
Phát biểu tại hội thi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, thực tiễn thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hoà giải thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, hàng năm số vụ phạm pháp hình sự được kéo giảm. Theo ông Tịnh, hoà giải ở cơ sở là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật; là phương thức thể hiện tính dân chủ và tư tưởng “lấy dân làm gốc”.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, hoà giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả, triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội mà còn là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; góp phần giữ vững kỷ cương xã hội, sự yên bình của thôn xóm, hạnh phúc của mỗi gia đình và tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Kết quả hội thi, giải Nhất thuộc về đơn vị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; 2 giải Nhì thuộc về đơn vị TP HCM và tỉnh Đồng Tháp; 2 giải giải Ba thuộc về đơn vị tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao các giải khuyến khích, các giải phụ cho các đội tham gia.