Báo Đại Đoàn Kết số 83, 84 và 85/2022 đã phản ánh tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xuất hiện tràn lan nạn “cò” đất làm đường trên đất nông nghiệp rồi tách thửa phân lô bán nền, đẩy giá đất nông nghiệp lên cao, tạo ra sốt ảo. Ngược lại, nhiều người dân có nhu cầu tách thửa đất ở nhưng lại gặp khó khăn vì sự chậm trễ trong việc ban hành quy hoạch 1/500.
Thừa nhận quản lý chưa chặt chẽ
Ngày 28/3, tại UBND huyện Đất Đỏ, trao đổi về những thông tin Báo Đại Đoàn Kết phản ánh, ông Hồng Như Vàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ thừa nhận những phản ánh của Báo Đại Đoàn Kết là chính xác. Những thông tin phản ánh của báo đã kịp thời để lãnh đạo huyện Đất Đỏ nắm tình hình, đã làm việc và giao các phòng, ban liên quan rà soát, xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cũng thừa nhận “việc quản lý của cơ quan chức năng địa phương còn chưa chặt chẽ, để xảy ra tình trạng các cá nhân sử dụng đất không đúng mục đích, chưa kịp thời phát hiện để ngăn chặn, xử lý kiên quyết ngay từ đầu”.
“Quan điểm của huyện đã thể hiện rõ trong các nội dung chỉ đạo, đó là cán bộ, công chức cấp xã, thị trấn phải thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, có kỷ cương, nếu phát hiện vi phạm, sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đó. Hiện nay huyện đã lập các đoàn thanh, kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã để xảy ra tình trạng sai phạm về đất đai” - ông Vàng cho biết.
Đối với việc làm đường trên đất nông nghiệp, ông Hồng Như Vàng khẳng định sai phép, chính quyền địa phương không cấp phép làm đường. Hiện ở các thửa đất số 546 (cũ) và thửa số 1555, tờ bản đồ số 05, tại thị trấn Đất Đỏ mà báo phản ánh chủ đất làm đường trên đất nông nghiệp, UBND huyện đã chỉ đạo UBND thị trấn Đất Đỏ thực hiện xử lý, khắc phục trả lại hiện trạng đối với hành vi tự ý làm đường giao thông trên đất nông nghiệp. Tương tự, thửa đất số 187, tờ bản đồ số 9 tại xã Phước Long Thọ của ông Nguyễn Công Khanh mà Báo Đại Đoàn Kết phản ánh về việc sử dụng sai mục đích sử dụng đất, đã tự ý đổ đất làm đường giao thông trên đất nông nghiệp trước đó, UBND xã Phước Long Thọ đã tổ chức xử lý đối với chủ đất. Hiện tại, ông Khanh đang khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng đất ban đầu.
Về việc tách thửa đất nông nghiệp tại địa bàn, lãnh đạo UBND huyện Đất Đỏ cho biết, huyện đang rà soát lại và kiến nghị thay đổi một số quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa đất nông nghiệp. Đối với những trường hợp xin tách thửa đất nông nghiệp từ diện tích lớn hình thành nhiều mảnh đất diện tích nhỏ, địa phương sẽ thẩm định kỹ, xem nhu cầu của việc tách thửa để làm gì, để tránh tình trạng “đầu nậu” lợi dụng chính sách để bán bất động sản kiếm lời.
Công bố quy hoạch để người dân tách thửa đất ở
Về nội dung tách thửa đất ở của người dân, ông Hồng Như Vàng cho biết, nhu cầu của người dân tại huyện Đất Đỏ về tách thửa đất ở rất lớn. Tuy vậy, hiện vướng mắc của huyện là nhiều khu vực chưa có quy hoạch 1/500, 1/2000 dẫn tới việc ách tắc tách thửa đất ở cho người dân. “UBND huyện đang điều chỉnh quy hoạch, hiện các phòng, ban của huyện đang lập lại quy hoạch 1/5000, sau khi có 1/5000 thì tiếp tục làm 1/2000, 1/500. Các xã cũng đã làm đồ án quy hoạch trình lên huyện, dự kiến trong tháng 4/2022 sẽ có quy hoạch 1/5000” - ông Vàng nói. Ngoài ra, theo ông Vàng, riêng về kế hoạch sử dụng đất năm 2022 hiện vẫn đang chờ UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt.
Đối với nội dung phản ánh của người dân huyện Đất Đỏ cho rằng có sự bất cập khi cùng xã, trên 1 cung đường, cách nhau tầm 500m, chính quyền tách thửa người này, nhưng thửa đất gần đó thì không. Ông Huỳnh Văn Em - Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đất Đỏ giải thích rằng, có thể khu đất gần đó không nằm trong quy hoạch 1/500 đã được duyệt, do vậy không có cơ sở để giải quyết hồ sơ.
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đất Đỏ cũng cho biết, kể từ thời điểm Quyết định số 15 có hiệu lực từ ngày 1/10/2021 (Quy định về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Chi nhánh đã tiếp nhận và giải quyết 63 hồ sơ tách thửa cho hộ, gia đình, cá nhân trong đó có 11 hồ sơ tách thửa có đất ở và 52 hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp.
Như vậy, có 11 hồ sơ tách thửa có đất ở vẫn được giải quyết, theo ông Em, trong quá trình thực hiện hồ sơ tách thửa đối với đất ở thì căn cứ vào Quyết định số 15, đối với những khu vực đã có quy hoạch 1/500, có quy hoạch 1/2000, cùng căn cứ kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai vẫn hướng dẫn thủ tục cho người dân tách thửa.
Hiện huyện Đất Đỏ có một số khu vực đã có quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500, 1/2000. Đơn cử một số vị trí ở thị trấn Đất Đỏ (Quy hoạch Tây Nam thị trấn Đất Đỏ, khu 82ha Phước Hải…) căn cứ vào đó Chi nhánh vẫn triển khai với 11 hồ sơ nói trên.
Phạt chủ đất làm đường trên đất nông nghiệp 45 triệu đồng
Ngày 25/3/2022, ông Huỳnh Sơn Thái - Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ đã ký quyết định xử phạt hành chính số 1333/QĐ-XPHC đối với ông Nguyễn Lam Trường do đã thực hiện hành vi sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại điểm b và d khoản 1 Điều 57 của Luật Đất đai tại khu vực đô thị, diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1ha đến dưới 0,5ha. Ông Nguyễn Lam Trường đã tự ý mở đường trên đất có mục đích sử dụng là đất trồng cây hàng năm khác với diện tích 4.040,5m2, tờ bản đồ số 05, đất tại thị trấn Đất Đỏ. Hình thức xử phạt hành chính là phạt tiền 45 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, di chuyển toàn bộ đất, đá đã thực hiện hành vi mở đường trái phép trên đất nông nghiệp.
Trước đó, tại số báo 83/2022, Báo Đại Đoàn Kết đã có bài “'Loạn' làm đường trên đất nông nghiệp” trong đó có phản ánh việc mở đường tại khu đất nông nghiệp nói trên.