Bắc Giang: Nhiều dự án chậm tiến độ, do giải phóng mặt bằng

Văn Anh 10/11/2021 13:25

Tỉnh Bắc Giang vừa tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện một số dự án, giải phóng mặt bằng và các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn huyện Hiệp Hòa.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra các điểm đấu nối thuộc dự án xây dựng đường và cầu kết nối huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang với thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, đoạn từ quốc lộ (QL) 37 đến cầu Hòa Sơn.

Được biết, Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 543 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ mục tiêu ngân sách Trung ương hơn 541 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 2 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2021-2024.

Về tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), UBND huyện Hiệp Hòa đã phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB tổng thể với giá trị gần 60 tỷ đồng; chi trả hơn 47 tỷ đồng cho các hộ dân đồng thuận. Dự án cơ bản đạt tiến độ so với kế hoạch.

Tuy nhiên, việc chiếm lĩnh mặt bằng đối với một số nhà thầu còn chậm, thi công vướng mắc mặt bằng, mưa nhiều làm ảnh hưởng đến công trình.

Nguyên nhân do hiện trạng sử dụng thửa đất ở các xã Lương Phong, Danh Thắng, Hùng Sơn, Thái Sơn, Hòa Sơn, thị trấn Thắng sai lệch lớn về hình thể, diện tích với bản đồ; UBND huyện Hiệp Hòa chưa phê duyệt đơn giá bồi thường đất ở làm căn cứ lập phương án bồi thường GPMB đối với đất ở.

Phần đất giáp QL37 (nút giao đầu tuyến) của 70 hộ do Nhà nước giao theo chủ trương dồn điền đổi thửa đã mua bán nhiều lần nên bản đồ địa chính đo không đúng theo hiện trạng sử dụng đất.

Đến nay, huyện Hiệp Hòa đã bàn giao mặt bằng được 8,4/10 km. Các nhà thầu thi công đã chiếm lĩnh mặt bằng, huy động phương tiện, tập kết nguyên vật liệu, nhân công và triển khai làm nền, xử lý đất yếu, cải tạo kênh mương… giá trị khối lượng thực hiện đạt 56 tỷ đồng.

Tại dự án cải tạo, nâng cấp cống Đại La, đê Tả Cầu, thuộc xã Mai Trung, xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa). UBND huyện Hiệp Hòa đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB tổng thể để thực hiện dự án với giá trị 6,28 tỷ đồng, đã chi trả tiền bồi thường GPMB 36 hộ thôn Trung Hưng, xã Mai Trung giá trị gần 1,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tiến độ thi công chậm so với kế hoạch do huyện chậm bàn giao mặt bằng thi công vì diện tích 5 hộ thuộc xã Hợp Thịnh.

Được biết, dự án này có tổng mức đầu tư gần 47 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 46 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 0,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện năm 2020-2022.

Tại vị trí thi công hạng mục cầu bắc qua sông Cầu sang địa phận Thái Nguyên thuộc địa phận xã Hòa Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Giao thông vận tải phối hợp với nhà thầu vận chuyển máy móc, vật liệu xây dựng tiếp cận vào khu vực thi công. Bởi đây là tuyến đường độc đạo, liên quan đến đê, phương tiện máy móc có trọng tải lớn…

Đồng thời, nhà thầu phải cam kết đảm bảo quy định và thực hiện hoàn trả mặt bằng nếu làm ảnh hưởng đến công trình hiện có, tập trung đưa các thiết bị máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công phấn đấu rút ngắn 1/2 thời gian để hoàn thành.

Đối với dự án dự án cải tạo, nâng cấp cống Đại La, đồng chí chỉ đạo huyện Hiệp Hòa và các xã tập trung GPMB còn vướng mắc xong trong 5 ngày tới (tính từ ngày 9/11), bàn giao cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu huyện Hiệp Hòa tập trung cao cho công tác GPMB đối với các hộ dân có diện tích đất ở, nhất là tại các điểm đấu nối thuộc tuyến ĐT295 và 296, phấn đấu đến ngày 25/11 có mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh, huyện Hiệp Hòa và các xã cần tranh thủ thời tiết hanh khô, là thời điểm thuận lợi thi công, cần vận động người dân để đẩy nhanh công tác GPMB; các nhà thầu cũng cần tranh thủ huy động phương tiện, lực lượng để triển khai xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên xét nghiệm, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho cán bộ kỹ thuật, công nhân trên công trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bắc Giang: Nhiều dự án chậm tiến độ, do giải phóng mặt bằng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO