Tỉnh Bắc Kạn nằm trong 10 tỉnh có chỉ số Xanh (PGI) cao nhất cả nước với 16,48 điểm, xếp hạng 7/63 tỉnh thành phố. Đây là một lợi thế để Bắc Kạn thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh doanh bền vững trong thời gian tới.
Lợi thế về chỉ số PGI
Với tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, Bắc Kạn có nhiều lợi thế so sánh trong tăng trưởng xanh. Thực tế, thời gian qua, tỉnh đã dành sự quan tâm lớn đối với công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, song song với đẩy mạnh phát triển kinh tế. Quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế một cách đơn thuần.
Theo đó, để đạt được mục tiêu, tỉnh Bắc Kạn tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó chú trọng khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng “nâu” sang “xanh”.
Theo đánh giá từ giới chuyên môn, chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tốt, môi trường nước đều nằm trong giới hạn cho phép. Cụ thể, cường độ tiếng ồn và hàm lượng các chất gây ô nhiễm (CO, NO2, SO2, Bụi TSP) có ở môi trường không khí tại các vị trí quan trắc đều thấp hơn giá trị cho phép; tỉnh không có điểm nóng về ô nhiễm không khí; không có khu vực ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng.
Việc xử lý triệt để, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tỉnh chú trọng thực hiện. Bắc Kạn đã xử lý được 1 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật; thực hiện rà soát, điều chỉnh dự án của 4 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.
Việc thực hiện bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp Thanh Bình thường xuyên được các cấp, ngành chuyên môn đôn đốc thực hiện, được thanh tra, kiểm tra và tham mưu xử lý kịp thời khi có sự cố về môi trường. Các dự án triển khai tại đây đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định.
Để chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, Bắc Kạn đang triển khai kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2030. Tỉnh cũng đã tích hợp lồng ghép phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu vào nội dung quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch này đã được hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác và nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời tăng cường sử dụng giống chất lượng cao với cây lúa và các đối tượng cây rau màu khác; đẩy mạnh áp dụng sản xuất tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương. Phương thức chăn nuôi đã được cơ cấu lại theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi nông hộ nhưng áp dụng khoa học công nghệ, chăn nuôi an toàn sinh học.
Tỉnh Bắc Kạn đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó chú trọng khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng “nâu” sang “xanh”.
Duy trì lợi thế Chỉ số PGI để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững
Bước vào “cuộc đua”, thứ hạng PGI một mặt sẽ khẳng định vai trò của chính quyền tỉnh trong xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh, mặt khác sẽ tác động, dẫn dắt các doanh nghiệp theo đuổi chiến lược trở thành hình mẫu về bảo vệ môi trường, đi đầu trong tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo. Do đó, nâng cao được Chỉ số PGI cũng sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Bắc Kạn hiện thực hóa được khát vọng mở rộng thị trường, từng bước vươn ra biển lớn.
Vì vậy, duy trì vị trí nằm trong 10 tỉnh có chỉ số PGI cao nhất cả nước là mục tiêu mà Bắc Kạn đang hướng tới. Trong đó phát triển kinh tế xanh, bền vững là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao Chỉ số PGI của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu, Bắc Kạn đang từng bước thực hiện chủ trương phát triển chuyển từ “nâu” sang “xanh” trong trong nhiều lĩnh vực kinh tế.
Bắc Kạn có tài nguyên thiên nhiên phong phú, thích hợp cho sản xuất nông lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và phục hồi rừng. Đất nông nghiệp chiếm 85% tổng diện tích đất tự nhiên; tỷ lệ che phủ rừng 73,35%, cao nhất cả nước. Cùng với đó, tỉnh cũng có lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử với các giá trị tự nhiên, lịch sử đặc sắc như: Quần thể du lịch Vườn Quốc gia Ba Bể, Cụm di tích lịch sử Phủ Thông - Đèo Giàng, Khu di tích lịch sử ATK Chợ Đồn… trong đó, nổi bật là hồ Ba Bể - một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới, Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt, Vườn di sản ASEAN... đó là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tỉnh Bắc Kạn theo hướng xanh và bền vững.
Từ những lợi thế trên, Bắc Kạn đã và đang thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp công nghệ cao; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng tái tạo. Trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã bước đầu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm sản....
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh: “Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, trong thời gian tới, tỉnh cần làm tốt công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn FDI, ODA; lựa chọn các dự án đầu tư phù hợp; tập trung cải cách hành chính phục vụ phát triển xanh; đầu tư cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao cùng với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ cấu ngành và địa phương theo hướng "xanh"...
Với những tiềm năng, lợi thế hiện có, đặc biệt là sự đánh giá cao về chỉ số Xanh (PGI) năm 2022 là động lực thúc đẩy tỉnh phát triển bền vững và thu hút đầu tư, hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng. Hy vọng trong thời gian tới, chỉ số Xanh (PGI) sẽ đóng góp trực tiếp và có ý nghĩa vào quá trình phát triển kinh tế bền vững của Bắc Kạn”.