Ngày 1//3/2022, Huyện ủy Phước Long, tỉnh Bạc Liêu ban hành văn bản số 428 về việc chỉ đạo cán bộ thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch, đã "làm khó" cán bộ và gây nhiều tranh cãi.
Cụ thể công văn số 428 của Huyện ủy Phước Long, tỉnh Bạc Liêu do Phó Bí thư huyện uỷ Lê Văn Năm vừa ký ban hành ngày 1/3/2022 gửi các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể có nêu rõ: Tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay có dấu hiệu gia tăng trở lại trên địa bàn tỉnh nói chung, trong đó có địa bàn huyện Phước Long.
Để quản lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trước tình hình hiện nay, Thường trực Huyện ủy đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện, Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trực tiếp quán triệt, chỉ đạo chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với cán bộ, công chức, viên chức đơn vị mình quản lý. Quán triệt nâng cao ý thức phòng, chống dịch trong mọi hoạt động hằng ngày (làm việc, sinh hoạt, đám tiệc, ra khỏi địa phương, tham gia các hoạt động đông người khác....).
Đặc biệt chi tiết: "Từ ngày 1/3/2022, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương để cán bộ mình quản lý bị nhiễm F0 mà nguyên nhân không phải do làm nhiệm vụ thì phải chịu trách nhiệm trước Thường trực Huyện ủy, UBND huyện; đồng thời cán bộ, công chức, viên chức đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị, tùy theo tính chất vi phạm các quy định và mức độ gây ảnh hưởng nghiêm trọng..." đã khiến cho nhiều cán bộ lãnh đạo lo lắng.
Qua ghi nhận từ nhiều cán bộ, công chức, viên chức việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tránh tâm lý chủ quan, lơ là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là rất cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo lắng vì việc ban hành văn bản này có phần cứng nhắc, chẳng khác nào "làm khó" cho cán bộ, công chức, viên chức bởi lẽ sau thời gian chính làm nhiệm vụ tại cơ quan trở về nhà khi đi chợ, rước con, hoặc sinh hoạt khác chẳng may bị nhiễm Covid-19 làm sao biết được bởi vi rút không thể nhìn bằng mắt thường, biết đâu mà lần, làm sao chứng minh được thời điểm nào bị nhiễm, đường lây từ đâu khi hiện nay hầu như tất cả các hoạt động điều diễn ra bình thường trong điều kiện thích ứng toàn mới.
Một cán bộ tỉnh đã về hưu bày tỏ, cần phải có cách nhìn nhận mới về dịch bệnh Covid-19, không kỳ thị, không quy định khắt khe đối với những người bị nhiễm Covid-19, điều quan trong hiện nay là mọi người, mọi nhà cần phải nâng cao ý thức phòng chống bệnh, thực hiện nghiêm 5K.
Trong khi đó theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, các F0 điều trị tại nhà sẽ được dỡ bỏ cách ly khi đã cách ly, điều trị đủ 7 ngày, thay vì 10 ngày như trước và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với virus SARS-CoV-2. Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định 250/QĐ-BYT về việc "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19".
Tại Hướng dẫn mới nhất này, Bộ Y tế đã bổ sung tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly với người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà.
Cụ thể: Người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà. Cách ly, điều trị đủ 7 ngày và có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa. Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vaccine. Trạm y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh….
Như vậy với hướng dẫn mới của Bộ Y tế đã nới lỏng các quy định về phòng chống dịch Covid-19 để thích ứng với tình hình mới trong khi văn bản của huyện Phước Long lại khắt khe, thậm chí là kỳ thị đối với những người bị F0, nhất là đội ngũ cán bộ khác nào đang làm khó họ.
Dù không phải phổ biến nhưng đã xuất hiện việc tình trạng kỳ thị người mắc hoặc đã từng mắc Covid-19 bằng nhiều hình thức như: bằng lời nói, cử chỉ, hành động đổ lỗi không chỉ đối với họ mà còn đối với người thân của họ như vậy là không nên.
Theo số liệu công bố của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu vào sáng ngày 2/3, trong 24 giờ qua, tỉnh Bạc Liêu ghi nhân 283 ca nhiễm mới, tăng 65 ca so với ngày trước, trong đó có 216 ca trong cộng đồng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng cảnh báo, sự kỳ thị với người nhiễm Covid-19 có thể gây ra những hậu quả khó lường như: khiến nhiều người muốn che giấu bệnh để không bị kỳ thị; ngăn cản mọi người không sớm tìm đến các cơ sở y tế chữa trị và không khuyến khích được họ thực hiện những hành vi lành mạnh bảo vệ bản thân và người khác. Tất cả những rào cản đó có nguy cơ gây ra các vấn đề y tế nghiêm trọng hơn.
Theo các bác sỹ trực tiếp điều trị cho F0 cho biết: Các trường hợp F0 được điều trị khỏi bệnh có nồng độ kháng thể nhất định, có thể miễn nhiễm tạm thời với virus SARS-CoV-2. Do đó, nguy cơ tái nhiễm của họ không cao, ít nhất là trong vòng 6 tháng sau khi khỏi bệnh; F0 đã khỏi bệnh không thể gọi là nguy hiểm. Vì vậy, chúng ta không nên kỳ thị, sợ lây nhiễm bệnh Covid-19 từ F0 đã khỏi bệnh.
"Chiến đấu" với dịch bệnh tinh thần rất quan trọng. Không ai biết mình bị nhiễm Covid-19 lúc nào, vì vậy không nên kỳ thị, xa lánh F0 và F0 đã điều trị khỏi. Hậu quả của hành vi kỳ thị cũng sẽ làm suy giảm niềm tin, mất đoàn kết và gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Dịch bệnh là điều bất khả kháng. Không ai muốn bản thân nhiễm virus và khiến cả gia đình phải cách ly. Virus không chừa một ai. Và không ai an toàn khi tất cả cùng chưa an toàn. Thay vì kỳ thị, dò xét, xa lánh với F0, mỗi chúng ta hãy thật công tâm và nhân văn, thắt chặt tinh thần đoàn kết, để những người không may nhiễm bệnh có thêm động lực và quyết tâm điều trị khỏi bệnh. Để những người đã điều trị khỏi bệnh yên tâm tiếp tục công tác, lao động, học tập, chung tay đưa mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới.