“Bạc Liêu sẽ sớm trở thành thủ phủ ngành tôm Việt Nam và sẽ có những đóng góp quan trọng cho mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam lên mức 10 tỷ USD trước năm 2025”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu ngày 30/1.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.
Nhiều thế mạnh về ngành tôm
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2018 với chủ đề “Khơi dậy tiềm năng - Phát triển bền vững” được chia làm 3 phiên với các nội dung: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo và phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Bạc Liêu - với vị trí nằm dọc theo bờ biển Đông, có chiều dài bờ biển hơn 56 km, với 3 vùng sinh thái mặn, ngọt và lợ. Trong đó, đất có thể nuôi tôm chiếm gần 50% diện tích toàn tỉnh nên Bạc Liêu xác định nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, trực tiếp là con tôm và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hạt nhân lan tỏa. Đồng thời, Bạc Liêu cũng định hướng ưu tiên phát triển sản xuất, bao tiêu lúa gạo và nâng cao chất lượng nông sản.
“Bên cạnh nông nghiệp, Bạc Liêu xác định phát triển năng lượng tái tạo là trọng tâm của công nghiệp tỉnh nhà” - ông Trung nói.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường góp ý: Bạc Liêu cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến tôm, các ngành công nghiệp phụ trợ khắc như: Sản xuất thức ăn thủy sản, chế phẩm vi sinh, cơ khí, chế tạo máy móc thiết bị phục vụ nuôi trồng, chế biến thủy sản, các dịch vụ thủy sản...; nuôi tôm theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng thương hiệu tôm Bạc Liêu.
Ông Cường cho biết thêm: Thời gian tới, tỉnh cần tập trung quyết liệt xây dựng “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm cả nước”; trong đó “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” được xác định là cốt lõi, động lực để “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm cả nước”. Phấn đấu đến năm 2020, Bạc Liêu sẽ xây dựng hoàn thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm và sẽ trở thành thủ phủ ngành tôm của cả nước…
Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Bạc Liêu với các nhà đầu tư. Ảnh: VGP.
Theo ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT tập đoàn Việt Úc, giải pháp để công nghiệp hóa ngành tôm Việt Nam có 3 ý chính, đó là ứng dụng công nghệ, nâng tầm đội ngũ và quản trị chuyên nghiệp. “Hiện nay ngành tôm Việt Nam rất tự hào khi đã thay đổi được bản đồ ngành tôm thế giới, khi vào năm 2015 chính thức có được dòng tôm bố mẹ của riêng mình. Ngoài ra, hiện nay chúng ta đã làm chủ được công nghệ dùng vi sinh vật biển để thay thế cho bột cá, giúp cho sự tăng trưởng của tôm tốt hơn từ 25-45%, và trên thế giới hiện chỉ có 3 nước sở hữu công nghệ này”.
Thời gian vừa qua, Việt Nam gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ thành công trong nuôi tôm chỉ từ 23-30%. Đến nay thì đã có một số các giải pháp được ứng dụng, trong đó giải pháp nhà màng với công nghệ từ Isarel mà chúng ta đã tiếp nhận và ứng dụng thành công đã giúp cho tỷ lệ thành công của vụ nuôi tăng lên đáng kể, ông Tuấn thông tin.
Thúc đẩy ngành tôm phát triển
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tới 3 ấn tượng khi trở lại Bạc Liêu, trong đó đặc biệt chú ý tới, ấn tượng khi tỉnh Bạc Liêu đã rất “biết người biết ta” khi lựa chọn những trụ cột phát triển gồm: Nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch và thương mại - y tế - giáo dục chất lượng cao. Đây là những định hướng phát triển rất phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đồng thời cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của Việt Nam và thế giới, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa đã “đến tận cửa của từng nhà”, tác động trực tiếp đến mỗi chúng ta.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận cho 5 nhà đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Ảnh: VGP.
Nói về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Các đồng chí đã giới thiệu được các tiềm năng, lợi thế của Bạc Liêu nói riêng và của vùng ĐBSCL nói chung trong phát triển nông nghiệp và nhất là thủy sản, trọng tâm là con tôm; làm rõ các xu thế mới trong phát triển nông nghiệp hiện đại; nêu bật khát vọng đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.
“Để thực hiện khát vọng đó, các đồng chí đã bước đầu tạo được sự liên kết khá rõ nét giữa 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông. Cộng với vị trí của Bạc Liêu ở trung tâm của vùng trọng điểm nuôi tôm nước lợ Việt Nam và là địa phương duy nhất có khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên về tôm, tôi cho rằng nếu phát huy tốt thì trong tương lai không xa, Bạc Liêu sẽ sớm trở thành thủ phủ ngành tôm Việt Nam và sẽ có những đóng góp quan trọng cho mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam lên mức 10 tỷ USD trước năm 2025”.
Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Bạc Liêu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đảm bảo bình đẳng, công bằng giữa các thành phần kinh tế và giữa các doanh nghiệp;
Sau Hội nghị này, tỉnh cần tiếp tục đôn đốc và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy các dự án triển khai đúng tiến độ. kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ; quan tâm phát triển bền vững, mà trước hết là bảo vệ môi trường; không đánh đổi yếu tố môi trường để lấy sự phát triển bằng mọi giá; Tiếp tục chăm lo đời sống người dân, đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp phải gắn liền và đồng hành với lợi ích của người dân; Tăng cường tính liên kết vùng, sự phát triển đồng bộ giữa các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và với các vùng khác trong cả nước.
Dịp này, Bạc Liêu trao giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép đầu tư cho các dự án như: điện gió, điện mặt trời, các dự án đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án phát triển thương mại - dịch, du lịch, y tế và giáo dục…
Theo BTC, tổng số có 10 dự án được cấp phép đầu tư, hơn 20 dự án đăng ký đầu tư và ký kết hợp tác đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 110 ngàn tỷ đồng ở các lĩnh vực: điện gió, điện mặt trời; nuôi tôm, các ngành công nghiệp hộ trợ tôm; bệnh viện, Nhà hàng khách sạn, Trung tâm thương mại...