Bài 2: Gỡ rối cho mô hình VNEN

T. Trang 02/08/2016 07:30

Phía Bộ GD&ĐT đã có nhận định, học sinh yếu kém không phải do mô hình VNEN, mà từ trước khi chưa đổi mới học sinh còn “lẩn khuất”, lặng lẽ mà giáo viên không nhìn thấy. Thêm vào đó là nhiều tồn tại nữa từ đội ngũ giáo viên, nếu không thay đổi thì sẽ không bao giờ đổi mới được.

Bài 2: Gỡ rối cho mô hình VNEN

Ảnh minh họa.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), nhìn vào sự yếu kém phát hiện ra các nhà trường sẽ có nhiều việc phải làm ngay lúc này. Đó là phải biết cách làm cho các em được học tốt hơn, phát triển hơn cả về năng lực và phẩm chất. Còn nếu cứ nói học sinh kém quá, quay trở về học như trước kia thì thử hỏi các em ấy sẽ như thế nào.

Trách nhiệm của giáo viên ở đâu?

“Nếu chúng ta thấy học sinh kém quá bảo không làm được, thì trách nhiệm của chúng ta ở đâu?”- ông Nguyễn Xuân Thành đặt ra câu hỏi trước những băn khoăn lớn của các thầy cô, nhà trường đang triển khai mô hình trường học mới.

Đưa ra hướng giải quyết, ông Thành cho rằng, các giáo viên và nhà trường phải chủ động, linh hoạt: Về những khó khăn, chẳng hạn sĩ số, không cách gì chúng ta giảm sĩ số được đâu trong bối cảnh bây giờ. Nếu chỉ nói giảm một vài lớp thì được nhưng tổng thể, thì giảm chỗ nọ lại tăng lên chỗ kia, bởi vì số lượng học sinh là thế.

Cơ sở vật chất của mình cũng đang có thế thôi, biên chế cũng chỉ có vậy. Tại sao khó khăn, thì là chung đất nước phải chấp nhận… Ví dụ giảm xuống 40 em một lớp, thì vô hình chung sẽ tăng thêm 10% số lớp, 10% giáo viên, 10% cơ sở vật chất… Cho nên sau khi nghiên cứu văn bản chúng tôi thấy thế này, lí tưởng quá cũng sẽ không được.

Nếu chúng ta không có cách gì chia được nhóm thì để học sinh ngồi như bình thường, tổ chức hoạt động học tích cực cho các em. Có người nói như thế không được, tất nhiên không thể hiệu quả bằng chia nhóm lớp, chuyện đương nhiên nhưng tôi muốn nhấn mạnh ý, chúng ta phải xoay sở trong sự khó khăn.

Nếu không phải mô hình trường học mới, mà vẫn theo yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp vận dụng các phương pháp hỗ trợ tích cực thì giáo viên có làm không? Ngồi trong lớp bình thường giáo viên có làm không? Việc tổ chức học tập tự lực và sáng tạo ở học sinh là câu chuyện chung cho tất cả mọi lớp, học sinh, không chỉ có riêng mô hình trường học mới. Chúng ta phải thống nhất để chỉ đạo, chứ nói không thể tổ chức được thì tôi không tán thành bởi vì mỗi cháu học sinh phải biết tự mình làm cái gì.

Ông chia sẻ với các nhà trường, giáo viên: Chúng ta phải khắc phục được những khó khăn ban đầu của mô hình, để có thể thực sự đổi mới. Có nhiều thầy cô hỏi, sau khi hết dự án thì như thế nào? Nhưng các cô phải hiểu không phải mô hình trường học mới thì vẫn phải đổi mới.

Nhìn nhận đúng vấn đề để thay đổi

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Vấn đề mới thì chưa thể quen, và khi triển khai cũng sẽ không thể có được thành công ngay. Nhưng các thầy cô, nhà trường cần phải tìm hiểu, vì đâu chúng ta làm chưa tốt. Tại chưa quen, chưa biết vận dụng mô hình, hay do mô hình đó chưa phù hợp? Hiện nay có tính trạng chưa biết làm, chưa quen đã nói không làm được. Đáng lẽ khi thấy chưa quen phải phân tích rõ mô hình, xem trách nhiệm của mình để đúng với tư tưởng của của mô hình mới phải.

“Nếu chỉ vì làm chưa quen, thấy khó khăn mà nói mô hình này, mô hình khác không làm được, việc đó rất nguy hại và không thể triển khai được cái gì mới. Bởi cái mới nào khi triển khai cũng sẽ có khó khăn ban đầu”.

Khi triển khai cái mới cần phải phát huy tính chủ động, tự nguyện, sự tham gia tích cực của những người tích cực. Những người dù giỏi nhưng không tự nguyện, làm một cách ép buộc cũng khó có thể thành công. Bên cạnh đó, vì là vấn đề mới, cần tạo điều kiện, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn chứ không phải nặng nề, soi mói.

Nhiều địa phương cho rằng, do lực cản từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên rất khó khăn khi triển khai vấn đề mới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Khi thực hiện đổi mới sẽ tăng cường về cơ sở vật chất, đội ngũ, nhưng không có nghĩa là cứ phải đủ các điều kiện này mới có thể triển khai được cái mới. Bởi vì, “sĩ số đông vẫn có thể triển khai được học theo nhóm, nhưng việc tổ chức nhóm phải linh hoạt hơn, đòi hỏi giáo viên phải chủ động, sáng tạo…”.

Nói về một số địa phương đang dừng triển khai mới mô hình VNEN, Thứ trưởng cũng khẳng định, đó là do địa phương này đã triển khai rộng rồi, nên họ tạm dừng để phát triển tốt hơn nữa những lớp đã triển khai. Bên cạnh đó, các địa phương khác cũng đang tổ chức rất tốt.

Cũng từ thực tế đó, Thứ trưởng Hiển nói rằng: Một số nơi bị chưa quen, “sốc phản vệ” ban đầu và chưa biết cách xử lý nên dẫn đến như vậy. Cho nên càng cần sự đồng tình, trao đổi góp ý lẫn nhau. Chúng ta không nên đánh giá mô hình này quá nặng nề, vì mới làm mà cứ soi mói thì khó làm lắm. Ngược lại, cần góp ý để phát triển.

Cũng có người hỏi, mô hình này sẽ thế nào khi đến năm 2018 chúng ta có sách giáo khoa mới? Mô hình trường học mới góp phần đổi mới phong cách quản lý, đảm bảo tính tự chủ, tính năng động sáng tạo của giáo viên học sinh, làm cho học sinh biết tự quản, tương tác với nhau tốt hơn, gia đình, nhà trường, xã hội gắn bó với nhau hơn… Những thứ này sẽ được đưa vào điều lệ nhà trường, dù có tham gia mô hình trường học mới hay không.

Thứ hai, khi có sách giáo khoa mới, mô hình cũng sẽ tiếp tục được triển khai. Vì chúng ta vẫn áp dụng một chương trình nhiều sách giáo khoa, và đây cũng là 1 sách giáo khoa để các trường chọn lựa…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 2: Gỡ rối cho mô hình VNEN