Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 dành riêng Chương VI để quy định về BHXH tự nguyện. Khi xây dựng các chính sách này, nhà làm luật kỳ vọng sẽ tăng tính hấp dẫn cho loại hình BHXH tự nguyện, thu hút nhiều hơn lao động ở khu vực phi chính thức tham gia, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội.
Từ ngày 1/7/2025, khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực, sẽ có 04 chế độ BHXH mà những đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được hưởng bao gồm: Trợ cấp thai sản; Hưu trí; Tử tuất; Bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015. Hiện hành, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hưởng 02 chế độ là hưu trí và tử tuất. Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung thêm 02 chế độ mới là trợ cấp thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Với chế độ thai sản điều kiện hưởng áp dụng với lao động nữ sinh con, lao động nam có vợ sinh con tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con. Mức hưởng là 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra. Lao động nữ là người dân tộc thiểu số, hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con còn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định, ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện quy định này. Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Theo đánh giá tác động của Bộ LĐTB&XH, với chính sách bổ sung chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, kinh phí chi hỗ trợ để thực hiện chính sách này với lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sinh con dự kiến phát sinh khoảng 171 tỷ đồng/năm với ngân sách nhà nước.
Kinh phí này được tính toán trên giả định 50% người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là nữ và phân bố đều theo các nhóm tuổi. Tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi của lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giai đoạn 2024-2030 bằng tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi của cả nước trong năm 2019. Chính sách này có tác động xã hội tích cực, góp phần làm giảm khoảng cách về các chế độ giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, mang lại nhiều quyền lợi cho người lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Cùng với bổ sung chế độ được hưởng, theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, người tham gia BHXH được hưởng chế độ hưu trí khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên. Mức lương hưu đối với lao động nữ khi đóng 15 năm đóng tương ứng tỷ lệ 45%, mỗi năm tăng thêm 2%, tối đa 75%.
Mức lương hưu đối với lao động nam khi đóng 15 năm BHXH tương ứng 40%, mỗi năm tăng thêm 1%. Với người tham gia đóng 20 năm thì tỷ lệ hưởng là 45%, mỗi năm thêm 2%, tối đa 75%.
Theo ông Mạc Thanh Hải, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thái Bình, việc sửa đổi điều kiện theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm là nội dung được dư luận, người dân quan tâm và ủng hộ nhiều nhất. Qua khảo sát thực tiễn, một trong những nguyên nhân được chỉ ra đối với việc nhiều người hưởng BHXH một lần là do số năm tích lũy hưởng lương hưu (20 năm) quá dài, làm giảm động lực tham gia, gắn bó lâu dài để hưởng lương hưu của người lao động. Hơn nữa đây là nhân tố khiến việc mở rộng người tham gia BHXH tự nguyện nói chung và các làng nghề gặp nhiều khó khăn.
Các chuyên gia đánh giá với những bổ sung về quyền lợi, Luật BHXH 2024 (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ là nhân tố tích cực để đẩy mạnh lưới an sinh xã hội thông qua chính sách bảo hiểm xã hội cho lao động làng nghề nói riêng và lao động phi chính thức nói chung. Tuy nhiên nếu không có chính sách hỗ trợ đặc thù thêm thì rất khó đối tượng này có thể vào lưới an sinh.
Trên thực tế cho thấy, với hơn 33 triệu lao động phi chính thức, chiếm 64,8% trong tổng số việc làm của nền kinh tế, lao động phi chính thức đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thị trường lao động, tác động mạnh mẽ đến phát triển và bảo đảm việc làm nói chung.Tuy nhiên, số lao động này hầu hết có trình độ chuyên môn thấp, làm các công việc thiếu bền vững, bấp bênh, ít được bảo vệ bởi pháp luật lao động vì không ký kết hợp đồng lao động. Do đó, hầu như họ không được hưởng các chế độ an sinh, phúc lợi xã hội và các điều kiện lao động an toàn như lao động chính thức.
Bài học từ đại dịch COVID-19 cho thấy, dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng, gồm cả nhóm lao động phi chính thức nhưng thực tế nhiều người lao động tự do đã không tiếp cận được các gói hỗ trợ này.
“Trong tổng số lao động phi chính thức chỉ 0,2% đóng BHXH bắt buộc và 1,9% đóng BHXH tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia. Như vậy, phần lớn lao động phi chính thức đối diện rất nhiều thiệt thòi vì không được bảo vệ đầy đủ bởi hệ thống pháp luật về lao động. Trong khi đó, lao động khu vực này đang giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo", ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình - dự án An sinh xã hội Việt Nam cho biết.
Ở góc độ cơ quan thực hiện chính sách, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến lao động khu vực phi chính thức chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện. Trước hết, là do thu nhập của người lao động khu vực phi chính thức bấp bênh, không ổn định. Người dân thường chú trọng quan tâm những nhu cầu trước mắt, mưu sinh hàng ngày mà chưa chú trọng an sinh bền vững sau này, do đó, ít tìm hiểu chính sách BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý ăn sâu vào tiềm thức là “Trẻ cậy cha, già cậy con” nên chưa hình thành được văn hóa tự đảm bảo an sinh xã hội thông qua đóng góp, tích lũy khi trẻ để thụ hưởng lương hưu, bảo hiểm khi về già.
Ông cũng thẳng thắn chỉ ra, mức hỗ trợ tiền đóng của nhà nước hiện nay chưa tạo được cú hích để thúc đẩy người dân tham gia BHXH tự nguyện. Trong khi đó, điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu còn dài làm giảm tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện cũng khiến một bộ phận người dân nản lòng. Hơn nữa, việc bổ sung các chế độ BHXH ngoài chế độ hưu trí, tử tuất đòi hỏi phải có sự hỗ trợ lớn từ ngân sách nhà nước, nhưng trong điều kiện hiện nay là khó khăn do khả năng cân đối của ngân sách.