Chuyện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) ở thôn Đồng Quang (Quốc Oai- Hà Nội), khiến người dân phải bỏ ruộng cũng chỉ là một trong những điển hình cho những khó khăn cho công tác này. Thực tế cho thấy, ở đâu việc thực hiện DĐĐT đảm bảo đúng quy định, dân chủ, công khai, công bằng thì ở nơi đó thuận lợi. Tuy nhiên cũng không ít nơi, mặc dù chính quyền có nhiều cố gắng, song cũng không ít khó khăn nảy sinh...
Ở đâu việc thực hiện DĐĐT đảm bảo đúng quy định, dân chủ,
công khai, công bằng thì ở nơi đó thuận lợi.
Chỉ vì quyền lợi cá nhân
Với người nông dân, hơn ai hết, họ hiểu rất rõ, rất sâu về mảnh ruộng của mình. Cũng hơn ai hết, họ hiểu tác dụng tốt của việc dồn điền, đổi thửa. Nhưng như chính những người nông dân tâm sự: “Bao nhiêu nhát cuốc, nhát nào chẳng cuốc vào lòng”. Cái sự tự tư, tự lợi, tiểu nông luôn thường trực. Không ít trường hợp đã nhất trí việc dồn điền đổi thửa, đã gắp thăm nhận ruộng, nhưng khi rút thăm phải mảnh ruộng xấu, ruộng ở xa hơn chân ruộng cũ thì phá bĩnh.
Cũng có chuyện như một cụ bà ở Hà Nam không nhận ruộng chỉ vì mảnh ruộng mới dù tốt nhưng lại rơi vào mảnh ruộng của người em. Cụ không nhận vì chỉ cho rằng, cấy ruộng tốt của chị, rồi sẽ phát sinh mâu thuẫn. Lại không ít trường hợp cãi vã, tranh chấp, mất tình cảm chỉ vì sau khi phân định địa điểm, người ở lỳ không chịu đi, cứ sản xuất trên mảnh ruộng cũ, còn người mới đã nhận ruộng thì kiên quyết rằng, ruộng của mình được chia thì mình cứ làm...
Với cá nhân người dân đã vậy, mâu thuẫn, bức xúc sẽ càng tăng khi bắt nguồn từ cái sai của cán bộ chính quyền thôn, xã. Thực tế tại các địa phương cho thấy sai phạm, vi phạm chủ yếu vẫn là từ các cấp thôn, nơi trực tiếp thực hiện việc dồn điền, đổi thửa. Cũng chính cấp thôn là những người gắn bó, hiểu hơn ai hết về các thửa ruộng xấu, tốt. Cán bộ thôn cũng có lắm mối quan hệ anh em, họ hàng, gia đình... Và rồi nhiều khi, vì quan hệ, vì tư lợi cho cá nhân, cho nhóm cá nhân, người thân, họ đã phá vỡ nguyên tắc, quy định...
Cũng lại từ việc dồn điền, đổi thửa, nhiều vi phạm, sai phạm trước đó của cán bộ địa phương bị phát giác. Việc xử lý, giải quyết nếu không triệt để thì mâu thuẫn, bức xúc lại nhân lên. Người dân dù biết chống đối là vi phạm, nhất là việc bỏ ruộng càng vi phạm, rất đau xót, thiệt hại trước hết là chính mình. Tuy nhiên như những người trong cuộc tâm sự: “cực chẳng đã, không còn cách nào khác”, họ phải chọn cách này.
Thiếu công khai, công bằng, dân chủ
Với hiện tượng bỏ ruộng, không nhận ruộng với những lý do khác nhau có thể nói nơi nào cũng có. Ngay ở Hà Nội, ngoài Quốc Oai, xã Nguyễn Trãi (Thường Tín) người dân cũng từng bỏ hoang hàng chục ha đến 3 vụ lúa. Sai phạm của các lãnh đạo thôn, xã trong việc DĐĐT cũng lắm dạng. Người dân thôn Bằng Sở, xã Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nội) từng tố lãnh đạo thôn này tự ý cắt xén đất của dân. Huyện này đã phải dừng việc dồn điền đổi thửa để kiểm tra.
Ở thôn Trung Lập, xã Tri Trung , huyện Phú Xuyên (Hà Nội) ông trưởng thôn bị tố đánh tráo ruộng xấu nhà mình cho một hộ dân khác. Hộ dân bị tráo ruộng đã quyết không nhận ruộng, bỏ hoang đến 2 vụ liền...Tại xã Cổ Đô, huyện Ba Vì vào tháng 9-2013 thì từng xảy ra xô xát, cãi vã giữa hàng trăm người dân với cán bộ ban dồn điền, đổi thửa. Lý do người dân đưa ra là chính quyền xã, Ban chỉ đạo xã đã làm sai nguyên tắc và quy định hướng dẫn của Sở NN&PTNT Hà Nội, xây dựng đề án sai, không rà soát hộ, khẩu được giao đất theo NĐ 64/CP, không thông báo công khai, đầy đủ... Cũng lại chuyện cũ bị dân lôi ra, rằng lãnh đạo xã một thời để cấp dưới bỏ ngoài sổ sách hàng tỷ đồng, hàng chục tấn thóc, nhiều mẫu đất bị chuyển đổi trái pháp luật.v.v.
Người dân ở thôn Liên Trì (Quốc Oai) thì đã rất bức xúc khi cán bộ trong ban DĐĐT và HTX được nhận nhiều ruộng tốt. Lý do có những tiểu xảo như cố tình nâng hệ số K lên cao, hay đưa những vùng đất tốt vào loại đất xấu rồi tự nhận...
Hà Nội được coi là nơi thực hiện chương trình DĐĐT, xây dựng NTM khá nhanh, thành phố Hà Nội cũng rất quan tâm, đầu tư cho công tác này. Những khó khăn, vướng mắc như trên đã từng bước được giải quyết. Chỉ trong hơn 2 năm (từ tháng 5/2012 đến tháng 12/2014), thành phố đã thực hiện DĐĐT được trên 75.965 ha/ 76.365 ha, đạt 99,48% kế hoạch. Tuy nhiên đến nay, Hà Nội cũng vẫn còn những nơi có những khó khăn, phức tạp như ở Đồng Quang (Quốc Oai).
Giải quyết phải hợp tình, hợp lý
Nguyên tắc của việc dồn điền đổi thửa phải dựa trên sự tự nguyện, dân chủ, công khai, công bằng. Việc giải quyết những bất cập cũng phải xuất phát từ đây. Tuy nhiên, cũng không ít nơi, khi xảy ra sự cố, chính quyền địa phương lại dùng biện pháp “ép” khiến sự vụ rối càng thêm rối, hoặc lại đẩy dân ra xa hơn. Chuyện có nơi ép đảng viên nhận trước, những hộ còn lại thì đe nếu không nhận ruộng thì không được ký xác nhận khi xin giấy tờ, xác nhận vay ngân hàng... Nhiều hộ nhận ruộng xong vẫn ấm ức trong lòng.
Và rồi có nơi như ở Nam Định, chồng nhận ruộng, vợ không thông, hai bên cãi vã, chồng đánh vợ đến phải nhập viện. Cũng từ việc triển khai nhiều khi không đúng chủ trương, không dân chủ, công khai, công bằng, nên hệ lụy, kết quả cũng không được như mong muốn. Có nơi có hộ đang sản xuất 2 mảnh ruộng, khi dồn điền, đổi thửa lại tăng lên 3 mảnh. Có cụ già ruộng đang ở gần, đổi lại ruộng xa hơn...
Đành rằng, thật khó có thể để đảm bảo công bằng tuyệt đối. Đặc biệt khi đất đai được giao cho người dân lâu dài, người dân coi trọng phần đất của mình, trong khi giá trị mảnh đất lại phụ thuộc vào vị trí, chất đất. Không ít mảnh ruộng cạnh đường quốc lộ, liên huyện, liên xã mà tương lai, vị trí có thể hái ra vàng. Và rồi vì cái sự tư lợi, người ta đã sinh ra đủ mánh khóe để kéo cái lợi về mình.
Để giải quyết mọi vấn đề phát sinh, yêu cầu phải thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn, công khai, dân chủ, công bằng. Đặc biệt là việc xử lý nghiêm minh những sai phạm. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho người dân hiểu, đồng thuận, cùng biết “hy sinh” vì cái chung, vì quyền lợi của xã hội.