Thầy giáo Phan Xuân Việt là một trong 4 người đứng đơn khiếu kiện ông Trần Đình Toản - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường PTDT nội trú THCS Ninh Phước, đã bị ông chấm dứt hợp đồng lao động, giờ phải lang thang đi làm thuê kiếm sống qua ngày
Rất nhiều sai phạm trong công tác quản lý về tài chính, sa thải, ký hợp đồng lao động theo cảm tính, mê tín dị đoan hay có dấu hiệu ăn chặn tiền ăn của học sinh, % hoa hồng, chênh lệch giá mua một số tài sản, mà qua đợt khảo sát thực tế của Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) như: Thiết bị âm thanh của nhà trường mua với giá 12 triệu đồng tại cửa hàng Thy Anh, nhưng khảo giá của đoàn chỉ có 6.420.000 đồng tại cửa hàng điện tử Ngọc Năm; tủ lạnh Mishubishi nhà trường mua với giá 15.900.000 đồng tại cửa hàng điện máy Ngọc Châu, nhưng khảo giá của đoàn chỉ có 14.300.000 đồng tại của hàng điện máy Chí Cường hay bếp công nghiệp nhà trường mua với giá 627.272 đồng nhưng đoàn khảo giá chỉ có 550.000 đồng... Chứng từ mua sắm thuộc hóa đơn số 0041677 ngày 25/11/2013 được bên bán chi trả cho phí giao dịch trên một triệu đồng...
Trên đây chỉ là một số mặt hàng đã được đoàn thanh tra khảo giá và đã có sự chênh lệch đáng kể, nhưng theo chúng tôi giá bán thực có khi còn thấp hơn nhiều. Với nhiều sai phạm như vậy, đáng ra ông Trần Đình Toản phải nhận một mức án kỷ luật nghiêm khắc, nhưng Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận chỉ kiểm điểm nhắc nhở làm cho dư luận cũng như một số cán bộ giáo viên trong trường bức xúc, tiếp tục làm đơn gửi đến các ngành chức năng với mức xử lý và kiến nghị của Giám đốc Sở là chưa thỏa đáng và thiếu khách quan.
Ngay sau khi có kết luận số 701 của Giám đốc sở GD&ĐT thì ông Toản không những phải rút kinh nghiệm và khắc phục sửa chữa mà lại tỏ thái độ trù dập cá nhân, sa thải, cắt hợp đồng lao động cho nghỉ việc những người không cùng phe cánh hoặc dám đứng ra tố cáo ông.
Thầy giáo Phan Xuân Việt là một trong 4 người đứng đơn khiếu kiện ông Trần Đình Toản - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường PTDT nội trú THCS Ninh Phước, đã bị ông chấm dứt hợp đồng lao động, giờ phải lang thang đi làm thuê kiếm sống qua ngày, chỉ mong sao được quay trở lại nhà trường và đứng trên bục giảng.
Hai nhân viên bảo vệ là Kiều Não Ngọc Thái và Nguyễn Xuân Dương được Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Thuận ký hợp đồng lao động ngày 5/3/2013, loại hợp đồng không xác định thời hạn. Trong thời gian họ làm việc ở trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không để xảy trường hợp đáng tiếc nào. Thế nhưng họ cũng bị dồn vào đường cùng, bởi ông Toản đưa ra tiêu chí bảo vệ phải là người địa phương khu phố 12, thị trấn Phước Dân và phải là bộ đội xuất ngũ trở về.
Ông Toản ép ông Kiều Não Ngọc Thái phải làm đơn nghỉ việc trước những yêu cầu ông đưa ra. Còn ông Nguyễn Xuân Dương là người địa phương, lại có bằng cấp và có kinh nghiệm, nghiệp vụ bảo vệ trong trường, đã học và nhiều năm kinh nghiệm trong công tác bảo vệ, nhưng đến nay cũng vẫn đang phải nghỉ việc ở nhà.
Ông Toản hẹn với bảo vệ Dương sẽ họp Ban giám hiệu nhà trường để xem xét, nhưng nhiều lần ông Dương đến gặp ông Toản thì được trả lời không dứt khoát được tiếp tục làm việc hay phải nghỉ luôn. Như vậy cả 2 bảo vệ đã được Giám đốc Sở ký hợp đồng lao động dài hạn, đang có công ăn việc làm ổn định, lâm vào cảnh thất nghiệp, làm cho hai gia đình họ khó khăn.
Phải chăng, sự thẳng thắn của họ phản ánh ông Toản về việc sáng xỉn, chiều say, phát ngôn bừa bãi trước công sở, đi xe con vào trường lúc quá khuya, gây mất giấc ngủ của học sinh; Do vậy ông tìm cách để chấm dứt hợp đồng lao động của họ.
Cùng lúc, ông Toản chấm dứt hợp đồng lao động hai bảo vệ, thì ông đã nhận sẵn 2 bảo vệ khác. Trong đó bảo vệ Đàng Ngọc Vương là cháu của một quan chức tại tỉnh Ninh Thuận, cũng không phải là bộ đội xuất ngũ và cũng chưa tốt nghiệp trung học phổ thông. Còn bảo vệ Trương Văn Trí lại không phải là người địa phương, nhưng cũng được Phó hiệu trưởng nhận về để thay thế hai người trước ngay sát ngày Tết nguyên đán, khi tất cả giáo viên học sinh của nhà trường đã nghỉ Tết.
Giáo viên Đổng Thị Mỹ Thừa cũng là một trong bốn người ký tên tố cáo duy nhất còn được ở lại trường, nhưng cũng liên tục bị ông Toản dồn ép. Mỗi lần gặp mặt, ông đều to tiếng, gây căng thẳng và bực bội, làm cho cô Thừa rơi vào tình trạng khủng khoảng tinh thần, sức khỏe suy sụp đến mức đã phải nhập viện điều trị.
Với nhân viên cấp dưỡng Lê Thị Cẩm Giang, trong vòng một tháng ông Toản thay đổi 3 hợp đồng lao động, từ cấp dưỡng lên tạp vụ, rồi thủ kho kiêm thủ quỹ và trực tiếp đi chợ cho bếp ăn. Còn nhân viên Nguyễn Thị Hoa là cấp dưỡng cũng bị thay đổi hợp đồng lao động 2 lần và bị chấm dứt hợp đồng không có lý do; nhân viên cấp dưỡng Thập Thị Mỹ Duyên cũng bị thay đổi hợp đồng lao động như bà Hoa.
Điều khó hiểu ở đây là dân tộc thiểu số mà thầy Toản lại cấm tất cả giáo viên học sinh không được giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc, chỉ bởi bản thân ông không biết tiếng… Dư luận đặt câu hỏi ai là người đứng sau để cho ông Toản tự tung tự tác lộng hành?
Vụ sai phạm trong công tác quản lý, tài chính, điều hành, làm mất đoàn kết, gây xáo trộn trong cơ quan này đã làm mất niềm tin ở một số cán bộ, giáo viên, nhân viên. Mong các cấp, các ngành và cơ quan chức năng, có mức kỷ luật nghiêm khắc cũng như trả lại sự công bằng cho những người dám đấu tranh, để họ sớm trở lại ngôi trường thân yêu của mình để làm việc và dạy dỗ các em học sinh thân yêu của mình.