Bài 3: Trách nhiệm thuộc về ai?

Sông Lam 01/10/2015 07:35

Hàng ngàn khối gỗ lậu đã được các đối tượng hợp thức hóa, vận chuyển đi khắp các tỉnh, thành, thu về hàng tỷ đồng, thế nhưng các cơ quan chức năng không hề hay biết. Trong khi đó nhiều người đang làm ăn chân chính bỗng chốc phải tù tội chỉ vì đã mua phải hồ sơ lâm sản giả của chúng.

Bài 3: Trách nhiệm thuộc về ai?

Các nạn nhân dính vào lao lý khi mua phải gỗ và hồ sơ giả
của đối tượng Lê Quang Vĩnh trao đổi với phóng viên.

Các bị hại lên tiếng

Việc các đối tượng trong đường dây làm giả hồ sơ tiêu thụ gỗ lậu bị bắt và khởi tố đã đem lại niềm vui cho người bị hại.

Ông Nguyễn Tấn Cần, một trong những bị hại là chủ xe do Lê Quang Vĩnh thuê đi chở gỗ lậu ở Phú Yên với hồ sơ giả bị Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh Phú Yên bắt xử phạt 100 triệu đồng cho biết: “Sau khi nghe ông Vĩnh gọi điện bảo thuê xe tôi đi chở gỗ ở Phú Yên về mỗi khối tính tiền cước là 800.000 đồng, tôi hỏi gỗ có giấy tờ hợp pháp không. Ông Vĩnh bảo có. Tin tưởng khách hàng, tôi cho tài xế đánh xe đi chở hàng cho ông Vĩnh. Nào ngờ, bị Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh (Phú Yên) bắt và phát hiện hồ sơ gỗ là giả, họ bắt đóng phạt 100 triệu đồng mới cho xe ra. Giờ gia đình tôi quá khó khăn. Một mình tôi phải nuôi 4 con nhỏ và mẹ già nên không có điều kiện. Ông Vĩnh là chủ hàng nhưng khi bị bắt lại đổ oan hết cho tài xế và tôi. Tôi mong cơ quan chức năng xem xét lại tình tiết, tạo điều kiện cho gia đình tôi được lấy chiếc xe ra làm ăn, kiếm cơm gạo nuôi các cháu và gia đình”.

Là một trong những bị hại vì trò mua bán hồ sơ giả của Lê Quang Vĩnh, ông N.S.H người viết đơn tố cáo và tham gia tích cực trong kế hoạch bóc gỡ đường dây mua bán, gỗ lậu, giả mạo hồ sơ mong muốn cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông xem xét, giảm nhẹ hình phạt. Bởi hiện tại ông N.S.H. đang xin tạm hoãn thi hành vì bản thân ông đang bị bệnh, gia đình đang khó khăn.

Theo các nạn nhân này, ngoài bản thân họ bị nhóm đối tượng của Vĩnh đẩy vào vòng lao lý, còn rất nhiều nạn nhân khác ở các tỉnh thành trong đó, nạn nhân mới nhất là một chủ hàng tên Hà ở huyện Chư Sê (Gia Lai). Bà Hà sau khi mua phải gỗ lậu và giấy tờ giả của Lê Quang Vĩnh với tổng trị giá gần 300 triệu đồng đã bị lực lượng chức năng bắt giữ số gỗ trên. Hiện bà Hà đã phải bán nhà, bỏ trốn đi nơi khác sinh sống và chạy nợ.

Không chỉ mất hàng, mà đối tượng Vĩnh còn lừa gia đình bà gần 100 triệu tiền chạy án. Với mong muốn “còn nước, còn tát”, bà Hà đã vay nóng tiền đưa thêm cho Vĩnh. Thế nhưng tiền mất, nạn vẫn không qua. Các bị hại cho biết, mỗi ngày đối tượng Vĩnh và đồng bọn thường bán từ 5 đến 7 bộ hồ sơ giả cho các khách hàng, với số lượng gỗ lậu trung bình hàng ngày trên 200m3.

Có sự tiếp tay của lực lượng chức năng?

Việc đối tượng Lê Quang Vĩnh và đồng bọn bị kết án nhưng vẫn tái diễn các tội về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” trong thời gian dài đang khiến cho dư luận đặt ra câu hỏi liệu có sự tiếp tay, làm ngơ của các lực lượng chức năng hay không?

Theo đối tượng Hoàng Xuân Long, để một chuyến gỗ lậu trót lọt chạy vi vu trên quãng đường từ huyện Ea Súp ra tới Buôn Ma Thuột thì các đối tượng này phải “chung chi” cho lực lượng chức năng 80 triệu đối với xe container, còn với loại xe khác tùy thuộc vào trọng tải mà quy ra tiền. Như loại xe 2,5 tấn, nếu vào chở gỗ rừng thì mỗi chuyến phải chi phí cho lực lượng chức năng khoảng 35 triệu đồng. Không chỉ vậy, để lo lót từ Đắk Lắk qua Đắk Nông thì con số chung chi trên đường cũng không hề nhỏ.

Cụ thể như xe container đầu kéo mang BKS 17C-05595 do tài xế Nguyễn Văn Tùng điều khiển chở gần 40 m3 (thuộc nhóm III – nhóm VI) khi qua trạm cân lưu động của tỉnh Đắk Lắk hôm 2/9 đặt bên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Hòa Phú đã không hề vào trạm cân. Được biết, họ phải chung chi mất 1 cây vàng. Sau khi vượt qua địa phận Đắk Lắk đến địa phận tỉnh Đắk Nông, chiếc xe container đầu kéo cũng không hề ghé trạm cân lưu động nơi đây mà vẫn vô tư chạy.

“Lưới trời tuy thưa nhưng khó lọt”, chuyên án thành công, nhóm đối tượng chuyên làm hồ sơ giả con dấu, chữ ký của cơ quan chức năng nhiều năm nay sẽ phải đền tội.

Ngày 18/9, Công an tỉnh Đắk Nông đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 đối tượng để điều tra làm rõ về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Vi phạm các quy về khai thác và bảo vệ rừng”.

Dư luận mong muốn phải làm rõ việc có hay không sự tiếp tay của các cá nhân, đơn vị liên quan? Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan điều tra, những cánh rừng Tây Nguyên sẽ được bình yên hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 3: Trách nhiệm thuộc về ai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO