Báo Nhân dân số 5409, ngày 3/2/1969, kỷ niệm 39 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã đăng bài báo quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đầu đề “Nâng cao đạo đức cách mạng – Quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Thời gian này đã kết thúc đợt ba cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở chiến trường miền Nam. Ta thắng lớn, Tổng thống Mỹ L. Johnson phải chấp nhận đàm phán với ta ở Paris. Gấp rút tiếp tế lương thực và chuyển quân vào chiến trường miền Nam để bù đắp, những tổn thất ta đã trải qua là đòi hỏi cực kỳ
Khẩu hiệu bao trùm mọi hoạt động của hậu phương lớn miền Bắc là: Thóc không thiếu một cân – Quân không thiếu một người. Số gia đình có bốn, năm liệt sĩ không còn là cá biệt. Xã viên các hợp tác xã nông nghiệp chỉ nhận phần thóc cho mỗi hộ ở mức tối thiểu, còn lại bao nhiêu sau mỗi vụ gặt đều tập trung tại kho thóc của mỗi hợp tác xã, gọi là thóc dành cho tiền tuyến. Quân và dân ta đã hy sinh không bờ bến nhưng tham nhũng, kể cả lãng phí trong bộ máy nhà nước vẫn không giảm. Trong hoàn cảnh vô cùng bức xúc, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn ác liệt nhất, một mất một còn, Hồ Chủ tịch đã viết bài báo được đông đảo đồng bào và cán bộ rất đồng tình vì đã vạch rõ sự sa sút phẩm chất của một số lãnh đạo ở địa phương và ở trung ương. Xin trích một đoạn:
“Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác. Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế.
Song bên cạnh những đồng chí tốt ấy còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người”, mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.
Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.
Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.
Hồ Chủ tịch đã viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng – Quét sạch chủ nghĩa cá nhân” khi sức khỏe đã giảm sút. Ngày 10/5/1969, Người tiếp tục viết Di chúc. Do bệnh đã quá nặng, không qua khỏi được, sáng 2/9/1969, Hồ Chủ tịch đã mãi mãi đi xa. Được đọc bài báo cuối cùng của Người, chúng ta càng hiểu sâu xa, trong Di chúc, Người đã căn dặn sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ hoàn toàn thắng lợi, chỉnh đốn Đảng là việc cấp bách nhất, ưu tiên hàng đầu toàn Đảng phải thực hiện. Xin trích:
“Ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.
Bài báo cuối cùng của Hồ Chủ tịch đã vạch rõ mọi tiêu cực, từ: “tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi” cho đến những hành động phá hoại thầm lặng vô cùng tai hại như “mất đoàn kết, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật…”.
Sau khi đất nước được độc lập, tự do, một số lãnh đạo càng có điều kiện tiếp tục mưu cầu lợi ích cá nhân, cục bộ, làm giàu trên mồ hôi, công sức của nhân dân. Hồ Chủ tịch rất quan tâm đến những “giặc nội xâm” vì là việc liên quan giữa ta với ta.
Đối phó với những đảng viên có chức, có quyền chỉ biết lo thân, chỉ muốn “mọi người vì mình”, loại bỏ những phần tử hại dân, hại nước này, với Hồ Chủ tịch không còn cách nào khác như Người đã căn dặn trong Di chúc:
“Trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng.”
Xin được ghi lòng tạc dạ hai chữ “Trước tiên” vì chậm chỉnh đốn Đảng ngày nào để “giặc nội xâm” tiếp tục bành trướng, câu kết thành phe, thành nhóm thì Đảng cầm quyền không thể trong sạch, vững mạnh.
Đất nước độc lập và thống nhất đã hơn 40 năm, trong đó 30 năm đổi mới đã được tổng kết tại Đại hội Đảng lần thứ XII đầu năm 2016. Thắng lợi vẻ vang về nhiều mặt đã thay đổi bộ mặt đất nước, nhưng công tác cán bộ còn những mặt yếu. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII họp cuối tháng 10/2016: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã có lời cảnh báo rất đáng ghi nhớ sau:
“Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Một mối họa cực lớn hiển hiện trước mắt chúng ta như nghị quyết của Đảng đã vạch rõ, đó là những đảng viên có chức có quyền thoái hóa, không còn phẩm chất cách mạng, có thể tiếp tay làm chỗ dựa cho kẻ thù. Mỗi cán bộ, đảng viên cần ghi lòng tạc dạ mối họa này để không nể nang, không né tránh, dám phát hiện, đấu tranh với những lãnh đạo suy thoái về mọi mặt. Xây dựng Đảng cần gắn liền với chỉnh đốn Đảng. Chỉnh đốn Đảng chưa đến nơi, đến chốn thì xây dựng Đảng không thể đạt kết quả như mong muốn vì Đảng không thể trong sạch, vững mạnh nếu xây dựng Đảng lại không nắm vững có bao nhiêu thủ trưởng, bộ, ngành kể cả lãnh đạo chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tổn thất hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng vẫn an toàn tại chức, cho đến khi về hưu vẫn không ai dám “động” đến, vẫn tận hưởng tiền của, tài sản nhà nước chiếm giữ một cách phi pháp.
Bài học được Hồ Chủ tịch để lại cho chúng ta trong Di chúc: “Trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” hết sức thiết thân với Đảng cầm quyền. Bất cứ thời gian nào coi nhẹ chỉnh đốn Đảng hoặc chỉ chỉnh đốn Đảng một cách chung chung, Đảng đều phải trả giá, xây dựng Đảng dù có kết quả nhưng chưa đạt được mục tiêu tối thượng như toàn Đảng, toàn Dân mong đợi: Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh.