Khách đến mua bánh mì tại nhà lò Văn Tú (phố Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) thấy người vợ trẻ sớm tối quấn quýt bên người chồng hỏng cả hai mắt, hai bàn tay chỉ còn ba ngón đều cảm phục tình yêu họ dành cho nhau. Ít ai biết, anh là thương binh phục vụ chiến đấu. Chuyện tình, chuyện đời của họ là một bài ca yêu cuộc sống vang lên thiết tha, rung động khiến mọi người soi vào và suy ngẫm.
Anh Tuân, chị Quyên hạnh phúc bên lò bánh mì của mình
1. Đến lò bánh Văn Tú gặp anh Tuân, chị Quyên vào một buổi sáng tháng 7. Cuộc trò chuyện của chúng tôi thi thoảng lại bị ngắt quãng bởi có khách mua hàng nhưng có biết bao nhiêu cảm xúc. Đó là những khi ánh mắt long lanh chị dành cho anh khi nói về tình yêu của họ, khi đôi mắt chị đỏ hoe nhỏ lệ khi hồi tưởng về nhiều gian khổ đã trải qua, lúc lại da diết nhớ thương khi nói về hai đứa con hiện đang ở quê với ông bà nội, còn cả tiếng cười đầy hạnh phúc khi công nhận rất nhiều người “ghen tị” với cuộc sống của họ. Dù không còn nhìn thấy, tai nghe cũng kém, hai cánh tay thương tật chỉ có thể phục vụ được nhu cầu cá nhân song nhìn vóc dáng cao lớn của anh, giọng nói quyết đoán của anh, tôi có thể cảm nhận rõ anh chính là chỗ dựa vững chắc cho gia đình bé nhỏ ấy vững vàng vượt qua bao gian khổ.
Anh Lê Văn Tuân sinh năm 1981, quê ở Lý Nhân, Hà Nam. Anh Tuân kể: 18 tuổi anh nhập ngũ, đóng quân tại Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 (Sông Công, Thái Nguyên). Tháng 7-2001, trong trận diễn tập cấp Trung đoàn tại trường bắn Xuân Bảng (Sóc Sơn, Hà Nội) với nhiệm vụ của người lính công binh, đang tháo kíp nổ thì đã bị nổ ngay trong lòng. Sau này, Bộ Tư lệnh công binh đã đưa ra ba giả thiết về vụ nổ đó, một là do thời tiết quá nắng nóng (lên đến 45 độ C) nên tự phát nổ, hai là xê dịch nhẹ nên phát nổ, ba là chạm vào giây giật nên tự kích nổ.
Ban đầu, gần như toàn bộ thân hình bị bỏng, cháy, băng bó, anh Tuân chỉ biết là mắt mình nhìn rất khó khăn. Một bên mắt buộc phải khoét bỏ nhãn cầu, dùng mắt giả để dồn thị lực cho mắt còn lại song qua nhiều cuộc kiểm tra với nỗ lực của các bác sĩ, hi vọng của anh cứ nhân lên lại mất đi qua thời gian. Sau đó, anh biết hai tay của mình cũng cụt gần hết. Lại thêm một bên tai bị sức ép, thủng màng nhĩ, không còn nghe được, anh cảm thấy hoang mang vô cùng. Các cụ vẫn bảo “giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, giờ cả tay, mắt đều như thế này, sẽ phải sống ra sao?
2. Dường như số phận không bao giờ đóng hết các cánh cửa với mỗi con người. Trong lúc bị thương nằm điều trị tại Bệnh viện 103, Lê Văn Tuân luôn nhận được sự động viên của thanh niên Thị đoàn Hà Đông. Ngày nào cũng có những cô gái trẻ đến hát múa, động viên tinh thần. Đặc biệt, chị Bùi Thị Quyên (sinh năm 1981, quê Quốc Oai, Hà Tây cũ) đến thăm bạn cùng đơn vị với anh. Qua nhiều lần đi lại (lúc này chị làm việc ở thị xã Hà Đông), hai người nói chuyện với nhau nhiều hơn, cảm thấy vô cùng hợp nhau. Chị Quyên tâm sự, ban đầu đến với nhau chỉ vì tình thương. Anh là người bình thường, vì nhiệm vụ mà thành tàn tật thì mình càng phải thương anh hơn. Sau đó, tình yêu nảy nở từ lúc nào không biết.
Khi anh rời viện về an dưỡng tại bệnh xá quân khu, chị có muốn đến thăm anh cũng ít điều kiện đi lại, thi thoảng chỉ gọi điện hỏi thăm nhau. Hai năm trời cách biệt, có những lúc tưởng chừng chia lìa, đứt đoạn hẳn với nhau. Thêm vào đó, chuyện tình của họ cũng tốn không ít nước mắt. Về phía gia đình chị Quyên, bố mẹ chị rất lo, rất thương. Mắt đỏ hoe, chị Quyên kể: “Bố tôi cũng là bộ đội, cả đời chinh chiến nên rất hiểu và thông cảm với anh Tuân. Bố bảo với tôi thế này: Bố chẳng chê gì anh ấy cả, chỉ có điều xa quá, bố mẹ suy nghĩ mòn mỏi thương con đến bao giờ, không đành lòng nếu con chịu khổ. Tuy vậy, gia đình tôi cũng không cấm cản quyết liệt, vẫn để tôi tự quyết định hạnh phúc của riêng mình”.
Khi anh đã giải quyết xong chế độ thương binh, về quê, chị về thăm. Lúc này, nhiều người nói tốt nhưng cũng có người xì xào bàn tán “hay là bị làm sao mới phải lấy người tàn tật như thế”?
Song, khi anh chị quyết tâm lấy nhau thì gia đình chị lại yêu thương anh chị hết mực, quan tâm đến từng li từng lí trong đời sống của anh chị. Đứa con đầu tiên ra đời, anh chị vỡ òa hạnh phúc nhưng cũng đối mặt với bao lo toan, may có ông bà nội hỗ trợ. Hai năm sau, đứa con thứ hai ra đời, khó khăn càng chồng chất, thu nhập chủ yếu trông chờ vào suất lương thương binh của anh. Lúc này, anh chị quyết tâm xin ra ăn riêng để tự chủ về kinh tế, cũng là để tự trưởng thành. Hơn nữa, nhiều người cũng nghĩ hai vợ chồng anh khó có thể sống độc lập được. Điều đó càng khiến lòng tự ái của anh nổi lên.
Từ hai con lợn giống bố mẹ cho làm vốn, anh gây dựng đàn lợn nái và lợn con, có những lúc lên đến 70 con. Tuy vậy, ngành chăn nuôi gà, lợn đến lúc khó khăn, không còn thuận lợi như trước, anh Tuân tính đến chuyện “rời lũy tre làng”.
Năm 2011, anh chị lên Hà Nội, cùng với anh trai của anh Tuân góp vốn mở lò bánh mì. Bây giờ, lò có hai cơ sở, mỗi người làm chủ một cơ ngơi. Mỗi ngày làm từ 800-1.000 cái bánh mì, trừ chi phí đi cũng lãi được khoảng hơn chục triệu đồng một tháng. Tuy không còn phải lo lắng về kinh tế nữa song anh chị vẫn canh cánh một điều là hai con của anh chị phải gửi ở quê với ông bà nội. “Thương con, nhớ con lắm nhưng cũng phải dằn lòng lại để còn kiếm tiền nuôi con. Cũng may hai cháu đều học giỏi, ngoan ngoãn”, chị Quyên cho biết. Anh chị cũng tính vài năm nữa, khi kinh tế vững hơn một chút, anh phải về quê để trông coi con cái học hành.
Quan trọng nhất là tình yêu thương. Phải yêu nhau thực sự thì mới thông cảm, bỏ qua được cho nhau. Mình cứ ngẫm, so với bạn bè, mình chẳng hơn được cái gì, chỉ hơn được duy nhất một điều là vợ chồng yêu thương nhau, lúc nào cũng như ban đầu. |
3. Gần 15 năm sống với nhau, cuộc sống không phải lúc nào cũng êm đềm, phẳng lặng như mặt hồ. Cũng có lúc anh chị va chạm, cũng có lúc mâu thuẫn về chuyện con cái, lao đao về tiền bạc, công việc nhưng chỉ là thoáng qua, chưa bao giờ to tiếng với nhau.
Chị Quyên tâm sự: “Quan trọng nhất là tình yêu thương. Phải yêu nhau thực sự thì mới thông cảm, bỏ qua được cho nhau. Mình cứ ngẫm, so với bạn bè, mình chẳng hơn được cái gì, chỉ hơn được duy nhất một điều là vợ chồng yêu thương nhau, lúc nào cũng như ban đầu. Vì vợ chồng mình có gì đâu, từ hai bàn tay trắng đi lên, có mỗi tình cảm với nhau thôi, nên vợ chồng phải động viên nhau để sống cho tốt”.
Khi tạm biệt, tôi cứ nghĩ về chị Quyên, một người phụ nữ tần tảo chịu thương chịu khó, biết lấy một người không còn nhiều sức khỏe như anh là sẽ vất vả, thiệt thòi mà vẫn vui vẻ, quyết tâm xây dựng nên một hạnh phúc phi thường. Còn anh Tuân, đúng là “thương binh tàn mà không phế”, là một thương binh thời bình, mất đi đôi mắt, cánh tay và 95% sức khỏe khi tuổi đời còn quá trẻ nhưng anh không an phận, không gục ngã, vẫn dùng ý chí, nghị lực của mình vươn lên để trở thành một tấm gương đẹp cho giới trẻ noi theo.
Có biết bao chàng trai, cô gái thế hệ 8X, 9X chỉ vì chút khó khăn đã chán nản, vật vã, buông xuôi, chán đời, sa ngã thậm chí tự kết thúc cuộc đời mình. Biết bao cặp vợ chồng trẻ đẹp lành lặn khỏe mạnh kết hôn, sinh con vẫn trông chờ vào nguồn viện trợ của hai bên gia đình. Hay những cặp vợ chồng chỉ vì chút mâu thuẫn nhỏ đã đưa nhau ra tòa để con trẻ bơ vơ. Mỗi sáng mỗi chiều, nhìn anh Tuân, chị Quyên ngồi dựa vào nhau, khoác tay, rủ rỉ tâm tình, tôi lại thấy như bài ca yêu đời đang vang lên rất khẽ nhưng bền bỉ, quyết liệt.