Vài năm trước huyện Sóc Sơn (Hà Nội), luôn cần sự hỗ trợ của thành phố. Nhưng đó là chuyện của quá khứ. Tới nay, vùng đất bán sơn địa này đang phát huy thế mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành nên những vùng chuyên canh, sản xuất quy mô lớn, tạo bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới.
Rau hữu cơ tại huyện Sóc Sơn.
Bước đột phá dồn điền đổi thửa
Huyện Sóc Sơn bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, phần lớn các xã chỉ đạt được vài tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí nông thôn mới. Để tạo bước chuyển trong xây dựng nông thôn mới cần chuyển đổi mô hình kinh tế, những cánh đồng lúa chất lượng thấp, những đồi trồng cây tạp cần được thay thế bằng các mô hình sản xuất chuyên canh. Những đồng đất khi ấy còn manh mún… Trước tình hình ấy, Sóc Sơn đã chọn “dồn điền đổi thửa” là khâu đột phá.
Theo ông, Phan Văn Vượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sóc Sơn, việc dồn điền đổi thửa nói thì dễ, nhưng bắt tay vào làm mới khó. Ai cũng muốn gia đình mình chỉ còn một thửa để dễ bề làm ăn. Song, chỗ ruộng cao, chỗ ruộng thấp, cánh đồng này đất tốt, cánh đồng kia không. Dồn điền đổi thửa là động chạm vào lợi ích. Sóc Sơn thực hiện làm điểm ở hai xã Tân Hưng và Minh Trí.
Mặt trận những xã trên địa bàn chạy “như con thoi”, hết lên huyện lại xuống đến từng hộ dân. Chủ trương thì đã rõ, nhưng còn phải vận động, giải thích cho từng hộ gia đình hiểu. Vất vả, song những cán bộ Mặt trận ai cũng phấn khởi vì thông qua phong trào này, thêm một lần vai trò của công tác Mặt trận được khẳng định.
Riêng ở Tân Hưng, sau 31 cuộc họp lớn nhỏ một cách “trường kỳ”, Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới xã mới thở phào khi lòng dân đồng thuận, ruộng đã chia xong. Thành công của Tân Hưng và Minh Trí tạo đà để Sóc Sơn trở thành địa phương dẫn đầu của thành phố trong dồn điền đổi thửa. Toàn huyện đã hoàn thành công tác dồn diền đổi thửa với tổng diện tích gần 11.000 ha.
Những mô hình triệu phú
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại gà, ông Nguyễn Văn Thứ (thôn Lương Đình, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) không giấu nổi niềm vui. Ông cho biết: “Trang trại của gia đình tôi hiện giờ có 3.000 con gà, chủ yếu là các giống gà mía, gà ri, gà lai chọi. Thị trường hiện rất ưa chuộng các giống gà truyền thống của chính các làng quê Việt Nam nên sức tiêu thụ rất tốt, chúng tôi rất yên tâm sản xuất”. Gia đình ông Thứ chỉ là một trong rất nhiều hộ gia đình ở xã Bắc Sơn chuyển đổi sang mô hình nuôi gà thả đồi. Các hộ gia đình ở đây cũng sớm liên kết sản xuất, để tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu gà đồi Sóc Sơn.
Những vùng đồi thấp là một bất lợi trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn nay dần biến thành lợi thế khi chuyển đổi sang chăn nuôi, trồng trọt những loại cây mới phù hợp. Tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội mà Sóc Sơn cũng đã quy hoạch các mô hình phát triển nông nghiệp khác nhau.
Chẳng hạn ở Phù Lỗ là nơi phát triển các trang trại hoa nhài; xã Nam Sơn tập trung trồng đu đủ, chuối tiêu hồng, thanh long ruột đỏ; cây lúa nếp cái hoa vàng trở thành cây chuyên canh ở xã Phú Minh; các xã Đông Xuân, Xuân Giang, Việt Long, Mai Đình, Hiền Ninh, Thanh Xuân hình thành vùng trồng rau. Tất cả các mô hình này đều cho thu nhập cao hơn phương thức làm ăn cũ nhiều lần. Trong các mô hình mới, chè sạch Bắc Sơn, bưởi Sóc Sơn gốc Diễn, rau hữu cơ Thanh Xuân là 3 thương hiệu nông sản của huyện được cục sở hữu trí tuệ chứng nhận, có chỗ đứng trên thị trường.
Nền tảng kinh tế vững chắc tạo đà cho diện mạo nông thôn thay đổi. Những con đường của lòng dân được mở ra. Các địa phương đã xây dựng được trên 400km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng, tỷ lệ cứng hóa tăng trên 75%. Trên toàn huyện, người dân đã hiến gần 10.000 mét vuông đất để mở đường. Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm, đến nay 98,6% người dân trên địa bàn huyện được dùng nước sạch hợp vệ sinh, 82% lượng chất thải sinh hoạt được thu gom và xử lý theo quy định. Từ một huyện nghèo, thường phải nhận sự hỗ trợ của thành phố thì đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Sóc Sơn đạt 29,8%. Huyện phấn đấu đến hết năm 2015 có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 13 xã còn lại đạt từ 12 tiêu chí trở lên.
Mặc dù vẫn còn những khó khăn trước mắt, song không thể phủ nhận những thành quả thu được từ quá trình xây dựng nông thôn mới ở Sóc Sơn. Mỗi khi nói đến thành tích xây dựng nông thôn mới ở Sóc Sơn, từ chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đến nhân dân đều nói về điểm mấu chốt là thành công của dồn điền đổi thửa, thành công này bắt nguồn chính từ sự đồng thuận của lòng dân. Đó là bài học kinh nghiệm quý báu mà các địa phương có thể tham khảo thực hiện.