Dư luận vẫn rất nóng về những trạm thu phí giao thông BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong buổi họp tối 4-12 vừa qua với Bộ Giao thông vận tải, một số bộ ngành liên quan cùng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang (nơi có trạm thu phí Cai Lậy), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gia hạn 1 đến 2 tháng để các bên xem xét, giải quyết dứt điểm.
Trạm thu phí giao thông Cai Lậy.
1. Vụ việc ở Trạm thu phí giao thông (BOT) Cai Lậy không phải là mới, mà đã diễn ra trong thời gian khá dài, hơn 1 năm. Từ khi trạm này bắt đầu thu phí cho tới chiều 4-12, đã có 24 lần xả trạm, có nghĩa là không thể thu phí mà để cho xe qua lại tự do. Đây cũng là trạm thu phí nóng nhất khi nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ mệnh giá nhỏ để trả phí, khiến thời gian lưu thông qua trạm kéo dài dẫn tới ách tắc liên tục.
Vụ việc ở trạm Cai Lậy là điển hình, nhưng không phải là tất cả. Hiện nhiều trạm thu phí BOT trên quốc lộ cả nước cũng gặp tình trạng tương tự, tuy rằng mức độ nặng nhẹ khác nhau. Có lẽ vì thế mà ngày 5/12, khi công bố “đầu mục” kiểm toán năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã “điểm danh” hàng loạt trạm thu phí BOT. Trong đó có Dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ (QL) 1; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh Bến Thành - Suối Tiên; Dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông và tuyến Nhổn - Ga Hà Nội; dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh. Cùng đó Kiểm toán Nhà nước tiếp tục kiểm toán một số dự án BOT giao thông, như dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối QL32 với QL32C; Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1; Dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí; Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - QL1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BOT và BT…
Cũng cần nhắc lại, kết quả kiểm toán 27 dự án BOT năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 1.150,46 tỷ đồng và giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án tài chính ban đầu hơn 107 năm, trong đó dự án giảm nhiều nhất là 13 năm 1 tháng, 12 ngày.
Con số công bố từ Kiểm toán Nhà nước đã khiến nhiều người bất ngờ!
2. Trở lại với BOT Cai Lậy, trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Thể- Bộ trưởng Giao thông vận tải đã báo cáo tuyến tránh Cai Lậy là một trong 88 tuyến giao thông được xây dựng theo hình thức BOT. Ông Thể cũng khẳng định "nếu phát hiện ai có sai phạm, kể cả Bộ trưởng, đều sẽ kỷ luật nghiêm khắc".
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, sau khi nghe Bộ GTVT và các cơ quan liên quan, tỉnh Tiền Giang báo cáo các phương án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có kết luận chỉ đạo về vấn đề trạm thu phí BOT Cai Lậy. Thủ tướng cho rằng việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo hình thức BOT là hoàn toàn đúng đắn và cần tiếp tục hình thức này để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Tuy nhiên, có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa. “Việc tôn trọng ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp để có giải pháp thấu tình, đạt lý, có sự đồng thuận, sự đồng cảm cao và chia sẻ từ phía xã hội là hết sức cần thiết"- ông Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng.
Ngày 5/12, trả lời kiến nghị của cử tri TP Cần Thơ, liên quan đến các dự án BOT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, thu hút đầu tư BOT là chủ trương đúng đắn. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, cần huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư BOT, có một số dự án làm chưa đúng, còn sai sót ở vị trí đặt trạm thu phí, mức thu phí, thời gian thu phí. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra một Nghị quyết giám sát BOT, trong đó có 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để chấn chỉnh lại hoạt động BOT.
3. Cho tới nay, với trạm BOT Cai Lậy, Bộ GTVT đã đưa ra 3 “kịch bản” xử lý. Theo Thứ trưởng Bộ này, ông Nguyễn Ngọc Đông, “kịch bản” thứ nhất: nếu giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy thì sẽ tăng cường tuyên truyền vận động, kèm cải thiện dịch vụ để giải đáp những thắc mắc như mở thêm làn... “Kịch bản” thứ hai: di dời trạm thu phí về tuyến tránh. Với kịch bản này, cần tính toán lại, thương thảo với nhà đầu tư về thời gian thu phí. Tuy nhiên, rất khó khả thi bởi thời gian thu hồi vốn không đúng theo cam kết vay vốn, có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng. “Kịch bản” thứ ba: sẽ đặt 2 trạm thu phí: một trạm trên QL1 để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên QL. Đồng thời, đặt một trạm trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư làm tuyến tránh.
Ông Đông cũng cho biết rằng, về 3 “kịch bản” đối với BOT Cai Lậy cũng có bộ ngành thiên về phương án này, phương án kia, tuy nhiên không có ai nói Nhà nước sẽ mua lại dự án BOT Cai Lậy.
Không thể nói chắc 1 trong 3 “kịch bản” sẽ được áp dụng, hoặc là có sự “pha trộn” giữa chúng với nhau; vì rất có thể sau khi các cơ quan hữu quan ngồi lại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, của người dân..., thì sẽ phát sinh “kịch bản” mới. Thời gian từ 1 đến 2 tháng xả trạm để các bên bàn bạc, tìm được tiếng nói chung là rất cần thiết. Bởi thực tế cho thấy bất cứ sự áp đặt nào cũng sẽ đưa lại nhiều hệ lụy. Với việc ùn ứ tại các trạm thu phí giao thông BOT, có nhiều nguyên nhân, cả từ phía người tham gia giao thông cũng như bên đặt ra mức thu phí; nhưng dù gì thì cũng phải giải quyết. Không thể để tuyến giao thông huyết mạch bị ngưng trệ. Cũng không thể để mâu thuẫn quyền lợi kinh tế dẫn tới bức xúc xã hội, bất ổn xã hội.
Tới nay, ý kiến vẫn chia thành hai luồng. Luồng thứ nhất ủng hộ người tham gia giao thông dám phản kháng lại các trạm thu phí. Với hai lý do, một là giá phí quá cao, phí chồng lên phí. Hai là trạm thu phí BOT đặt sai vị trí, đặt ở nơi hầu hết ôtô phải đi qua để “tận thu”. Ý kiến dạng này đòi hỏi phải di dời các trạm thu phí đặt đúng ở đoạn đường tránh.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng nhiều người tham gia giao thông khi dùng tiền lẻ mua phí là hành vi cố tình gây mất trật tự giao thông. Việc này đã khiến giao thông gián đoạn, tạo bức xúc xã hội mang tính dây chuyền là không thể chấp nhận.
Bên nào cũng có cái lý của mình, chính vì thế cần có trọng tài phân xử, và phải phân xử sớm, rõ ràng.
4. Tới đây, một câu hỏi đặt ra: cả nước có bao nhiêu trạm thu phí như Cai Lậy?
Theo ông Nguyễn Nhật- Thứ trưởng Bộ GTVT thì hiện cả nước có 8 trạm thu phí đặt trên QL để thu phí cho các tuyến đường tránh, bao gồm: Trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh); Trạm Bỉm Sơn (Thanh Hóa); Trạm Bến Thủy (Nghệ An); Trạm Quán Hầu (Quảng Bình); Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (thu phí tuyến đường tránh Vĩnh Yên); Trạm Trảng Bom (Đồng Nai); Trạm Cai Lậy (Tiền Giang) và Trạm Km 2123 QL1 (thu phí tuyến đường tránh Sóc Trăng).
Trong 8 trạm nêu trên thì có 5 trạm do lịch sử để lại. Từ giai đoạn 2000-2005, khi xây dựng các tuyến đường tránh thành phố, thị xã, Bộ Tài chính và các địa phương đã thống nhất tận dụng một số trạm thu phí hiện có (đang thu nộp ngân sách và nằm ngoài phạm vi dự án BOT) để hoàn vốn cho dự án BOT, không phải lập thêm trạm thu phí BOT.
3 trạm còn lại thực hiện đầu tư trong giai đoạn tiếp theo, việc đặt trạm thu phí này tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Vẫn theo ông Nhật, tới nay Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương xử lý bất cập tại 4 trạm: Bến Thủy, Cầu Rác, Quán Hầu và Cai Lậy. Trạm Bỉm Sơn đã dừng thu phí để đàm phán xác định lại mức lợi nhuận với nhà đầu tư. Đối với các trạm còn lại, Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát tổng thể để đưa ra giải pháp xử lý, hạn chế tối đa bất cập về thu phí.
Như vậy, trong thời gian 1 đến 2 tháng Thủ tướng gia hạn để xử lý trạm thu phí Cai Lậy, thì cũng cần phải xem đó là thời gian để rà soát lại tất cả các trạm thu phí BOT. Dư luận cho rằng, không thể “ngồi đợi” trạm BOT nào có vấn đề mới tìm cách tháo gỡ, vì như vậy sẽ chỉ tạo thêm phức tạp và cũng rất có thể làm “lây lan” sang các trạm BOT khác. Không chỉ Cai Lậy tất cả các trạm thu phí BOT phải được kiểm tra, rà soát, có phương án cụ thể. Lợi ích của nhà đầu tư cũng như của người tham gia giao thông, người dân trong vùng đều phải được tính đến trên cơ sở công khai, công bằng.
Chỉ có như vậy các trạm thu phí giao thông BOT mới thực sự bình yên.