Những ngày qua, dư luận lên tiếng về vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) trong các trường phổ thông. Nhiều ý kiến cho rằng, ban này chỉ là “tay sai” của hiệu trưởng nhà trường, chỉ là ban “thu tiền”, cần phải dẹp bỏ. Một phụ huynh học sinh tại TP HCM (ông Võ Quốc Bình) đã có đơn gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị giải tán ban đại diện CMHS.
Một biếm họa về nỗi lo đóng tiền của phụ huynh học sinh khi đi họp cho con.
Xem xét lại nhiệm vụ, chức năng
Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Nghĩa- Thứ trưởng Bộ GDĐT thì không nên bỏ ban đại diện CMHS mà cần xem xét lại chức năng, nhiệm vụ của họ. Bà Nghĩa cũng thừa nhận đúng là ở một số nơi, ban đại diện CMHS chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo như Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện CMHS. Một số trường đã lợi dụng ban đại diện CMHS để đưa ra những khoản thu không đúng quy định. Theo bà Nghĩa, để xảy ra tình trạng này có lỗi thuộc về ban đại diện CMHS và hiệu trưởng chưa làm đúng trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, lỗi không thể thuộc về ban đại diện CMHS- cho dù có chia đôi lỗi cho hiệu trưởng theo kiểu 50/50. Mà phải dũng cảm nhìn nhận lỗi là ở hiệu trưởng và ban giám hiệu nhà trường. Vì rằng, nói như một vị trưởng ban đại diện CMHS của một trường ở Cầu Giấy (Hà Nội) “Tôi hiện nay đang bị đẩy lên “sân khấu”. Là người đứng ở giữa, mệt mỏi vô cùng. Không làm theo lời của nhà trường thì bị trách móc, sợ con bị trù úm, còn nếu làm thì thấy có lỗi với học sinh và những phụ huynh khác. Tôi tự thấy mình là tay sai thật”.
Như vậy, có thể thấy không vị trưởng ban đại diện CMHS nào lại thích chuyện nghĩ ra khoản tiền nọ khoản tiền kia rồi ép phụ huynh học sinh phải đóng. Nếu không nhìn nhận sự thực ấy thì cũng có nghĩa là không chịu nhìn nhận gốc rễ của vấn đề. Và vì thế, cho dù có “đổi mới” ban đại diện CMHS thì ban này vẫn cứ sẽ vẫn là ban “thu tiền”, và vẫn sẽ tiếp tục gây bức xúc xã hội.
Vẫn theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, không nên bỏ ban đại diện CMHS bởi họ là những người góp phần quan trọng kết nối giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh. Nếu không có sự kết nối này thì việc quản lý, giáo dục học sinh sẽ không hiệu quả.
Nhưng thực tế, ban đại diện CMHS có làm những điều đó không lại là chuyện khác. Nhiều phụ huynh cho biết, mỗi năm ban này họp với họ hai đến ba lần, quanh đi quanh lại cũng chỉ nói chuyện thu tiền; còn việc các cháu học hành, rèn luyện ra sao thì là chuyện của các thầy cô giáo.
Nói về chuyện ban đại diện CMHS đứng ra thu tiền, bà Nghĩa cho rằng, trong Điều 10 của Thông tư 55 có quy định về hội phí. Và rất có thể ở một số nơi, ban đại diện CMHS đã lách quy định này để thực hiện việc thu tiền không đúng quy định, thu thêm những khoản tiền khác. Vì vậy, sắp tới, việc thu hội phí được quy định là sự tự nguyện của các hội viên nên có thể việc quy định về hội phí sẽ không còn được đưa vào Thông tư 55 nữa.
Một số thầy cô giáo cho rằng, để làm “sạch” ban đại diện CMHS thì đó cũng là một cách. Nhưng quan trọng hơn, nếu để ban này tồn tại thì phải không được để cho họ dính đền tiền. Mà điều đó thì không dễ chút nào.
Tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý
Vậy có cách nào ban đại diện CMHS vẫn tồn tại mà không xảy ra việc lạm thu thông qua hoạt động lợi dụng chủ trương xã hội hóa của ban này? Nêu một ví dụ rất cụ thể về việc lắp điều hòa trong phòng học, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng nên vay tiền của phụ huynh để mua điều hòa thay vì thu tiền. GS Thuyết lập luận rằng, một cái điều hòa có thể dùng hàng chục năm, tại sao năm nay thu tiền sang năm lại thu tiếp? Nhà trường có thể thực hiện một cách là vay tiền của phụ huynh và đến lúc các cháu ra trường hết 3 năm hay hết 5 năm gì đó thì trả lại. Như vậy là sòng phẳng, đàng hoàng.
Về ban đại diện CMHS, một mặt GS Thuyết không phủ nhận vai trò của nó, song ông cũng cho rằng cũng có nơi ban đại diện lại trở thành “cánh tay nối dài” của ban giám hiệu để thu tiền. “Việc này là không đúng đắn và cần phải chấn chỉnh”- GS Thuyết nói.
Nhưng chấn chỉnh bằng cách nào? Nhiều năm qua ban đại diện CMHS trên thực tế đã không đứng về phía học sinh, trong đó có việc giám sát hoạt động giáo dục của nhà trường, mà lại rất tích cực trong việc thu tiền của phụ huynh học sinh để nộp cho trường. Nay, nếu vẫn để ban này tiếp tục hoạt động, ai dám chắc họ sẽ không tiếp tục làm việc ấy! Vì vậy, cần sửa đổi điều lệ hoạt động của ban này, trong đó không tồn tại “kẻ hở” để họ có cớ thu tiền; kể cả núp dưới danh nghĩa “tự nguyện” của CMHS đi chăng nữa.
Cũng cần nhắc lại, đợt kiểm tra đầu năm học mới rồi của Bộ GDĐT đã cho thấy, hầu hết các khoản lạm thu đều xuất phát từ ban đại diện CMHS. Nhưng “phía sau” nó lại là hiệu trưởng, ban giám hiệu nhà trường. Nói như ông Trần Tú Khánh- vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GDĐT thì ban giám hiệu các trường phải chịu trách nhiệm về các khoản thu không đúng quy định và phụ huynh có quyền từ chối nộp những khoản thu tự nguyện. Ông Khánh cũng cho rằng, hiệu trưởng phải quán triệt và nghiêm túc thực hiện việc này. Còn đại diện hội CMHS và phụ huynh học sinh phải là người đấu tranh, phải biết được là nghĩa vụ mình phải đóng cái gì và đóng theo hình thức, nguyên tắc như thế nào.
Lý thuyết thì là thế, nhưng thực tế nào có dễ vì ban đại diện CMHS đều là thành phần “khá giả”, được ban giám hiệu tin cậy cả. Vì vậy, nếu vẫn tồn tại ban đại diện CMHS trong trường phổ thông thì cùng với việc rà soát sửa đổi điều lệ, đổi mới hoạt động thì rất cần sự vào cuộc giám sát, kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương khi có dấu hiệu lạm thu, nhất là núp dưới danh nghĩa tự nguyện.