Ngày 24/3, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Hoạt động giám sát của nhân dân”. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dự và chủ trì Hội thảo.
Cơ chế pháp lý về hoạt động giám sát của nhân dân chưa đồng bộ
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, pháp luật về hoạt động giám sát của nhân dân ở nước ta ngày càng được hoàn thiện, từng bước mở ra nhiều phương thức, cách thức để nhân dân thực hiện quyền giám sát, phát huy tính tích cực chính trị, quyền làm chủ của nhân dân.
Đồng thời, với hoạt động giám sát của nhân dân được thực hiện thông qua các đại biểu dân cử tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân, giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên Mặt trận; giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và giám sát trực tiếp của cá nhân công dân,... cũng đã đạt được những kết quả nhất định và ngày càng được nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng, các quy định về hoạt động giám sát của nhân dân, nhất là về giám sát trực tiếp của cá nhân, cộng đồng, tập thể hoặc thông qua MTTQ Việt Nam, các tổ chức xã hội của nhân dân còn chung chung, ít khả thi, tản mạn ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Một số quyền của công dân được Hiến pháp ghi nhận liên quan đến quyền giám sát mới chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật như pháp lệnh, nghị định, chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật,...
“Do vậy, việc kiểm soát quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị của phía nhân dân vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, mang tính hình thức và hiệu quả thấp. Những điều này cho thấy rất cần thiết phải sớm khẩn trương, nghiên cứu xây dựng và ban hành một đạo luật riêng về hoạt động giám sát của nhân dân, đó là Luật Hoạt động giám sát của nhân dân”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nêu rõ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo và với tinh thần khách quan, khoa học, trách nhiệm, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng tin tưởng những ý kiến của đại biểu sẽ giúp Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thực hiện sáng kiến pháp luật, đề nghị xây dựng đạo Luật và làm cơ sở để MTTQ Việt Nam đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền việc xây dựng, ban hành Luật Hoạt động giám sát của nhân dân.
Nêu cao trách nhiệm giám sát thực thi quyền lực nhà nước của nhân dân
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Minh Đoan, nguyên Trưởng khoa Pháp luật Hành chính Nhà nước – Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam, một trong những giải pháp không thể thiếu và vô cùng quan trọng mang tính quy luật là tăng cường và nâng cao vai trò giám sát nhân dân. Việc này đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thực sự có hiệu quả bằng cả dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp.
Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong quan hệ với quyền lực nhà nước, có một thực tế khách quan thường xảy ra là công dân không được bình đẳng với nhà nước về thông tin. Hơn nữa, nhà nước là tổ chức duy nhất có thuộc tính cưỡng chế, có quyền can thiệp độc đoán, chuyên quyền, có thể dẫn đến xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của con người. Cơ sở thực tiễn đó càng đòi hỏi nhân dân phải có trách nhiệm giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước.
Đề cập đến hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và Ban thanh tra nhân dân, PGS.TS Bùi Xuân Đức, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, hoạt động giám sát của các ban này ở cơ sở đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Do đó, Luật Hoạt động giám sát của nhân dân cần pháp điển hóa quy định về giám sát đầu tư của cộng đồng và chuyển quy định về Ban thanh tra nhân dân từ Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở về Luật này.
GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, với tư cách là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tập hợp phát huy sức mạnh đại đoàn kết, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, MTTQ Việt Nam có nhiệm vụ giới thiệu các đại biểu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Đây là nơi Mặt trận thực hiện chức năng giám sát của mình đối với cơ quan dân cử, từ đó cần phát huy tốt chức năng này của MTTQ Việt Nam trong Luật Hoạt động giám sát của nhân dân.
Ở góc độ khác, TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, Dự án Luật Hoạt động giám sát của nhân dân cần có sự rà soát các luật như Luật Dân sự, Luật MTTQ Việt Nam, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở,... để tránh sự trùng lặp, chồng chéo tại các nội dung về giám sát của nhân dân. Đồng thời, Dự án Luật cần tăng cường sự phối hợp giám sát của nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam; chú trọng công tác phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cấp, các ngành có liên quan đến giám sát của nhân dân để hoạt động có chất lượng và hiệu quả.
“Khi có dự thảo về Luật Hoạt động giám sát của nhân dân, cần tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân để hoàn thiện luật trước khi trình Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng văn bản pháp luật và tính khả thi của luật được ban hành”, TS Nguyễn Văn Hùng đề xuất.