Phát huy quyền giám sát của nhân dân

Tuệ Phương (thực hiện) 11/04/2021 08:41

Những ngày này, cùng với các địa phương khác trên cả nước, tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo đúng kế hoạch đề ra, tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Viễn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.

Ông Nguyễn Xuân Viễn.

PV:Để kỳ bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp thành công, cho đến thời điểm này, Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc chuẩn bị các bước hiệp thương như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Viễn: Tham gia công tác bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp là một nhiệm vụ có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng của MTTQ Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp và Luật MTTQ Việt Nam.

Để thực hiện tốt việc này, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã chuẩn bị tốt nội dung các bước, trình tự và tiến hành tổ chức thành công các hội nghị hiệp thương.

Đến ngày 19/3, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức xong Hội nghị hiệp thương lần hai, lập danh sách sơ bộ 7.383 người ứng cử, trong đó có 12 người của địa phương ứng cử ĐBQH, đạt tỷ lệ số dư 2,0 lần so với số đại biểu được bầu.

Đối với đại biểu HĐND cấp huyện có 586 người ứng cử, đạt tỷ lệ số dư 1,94 lần so với số đại biểu được bầu.

Việc tổ chức Hội nghị hiệp thương đều diễn ra dân chủ, đúng luật, đúng nội dung, đúng thủ tục, trình tự theo quy định. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ra ứng cử đảm bảo thực hiện đúng quy trình, đúng thời gian, đúng pháp luật. Những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND cơ bản đáp ứng đủ tiêu chuẩn về cơ cấu, năng lực, trình độ, phẩm chất, đại diện cho trí tuệ của khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, các tầng lớp nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng vào kỳ bầu cử lần này.

Thưa ông, việc lấy ý kiến của cử tri tại nơi cư trú và nơi công tác đối với những người tham gia ứng cử có ý nghĩa như thế nào trong công tác hiệp thương?

- Việc lấy ý kiến của cử tri tại nơi cư trú và nơi công tác đối với những người tham gia ứng cử có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là dịp để cử tri bày tỏ ý kiến nhận xét, tín nhiệm của mình đối với các ứng cử viên. Do đó, kết quả các hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú là cơ sở quan trọng để Ủy ban MTTQ báo cáo, xem xét, thực hiện hiệp thương theo trình tự.

Đến ngày 12/3, các cơ quan, đơn vị, thôn, tổ dân phố được phân bổ giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đã hoàn thiện biên bản các hội nghị gửi Ủy ban MTTQ cùng cấp đảm bảo thời gian theo quy định.

Theo tổng hợp từ biên bản các hội nghị và quá trình theo dõi, giám sát cho thấy quá trình tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhận xét cử tri nơi công tác, giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND bảo đảm nghiêm túc, đúng trình tự, dân chủ, công khai; đúng thành phần, tiến độ về thời gian theo quy định. Những người được giới thiệu ứng cử đều đủ tiêu chuẩn, được cử tri tín nhiệm cao về phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực.

Ngay sau Hội nghị hiệp thương lần hai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức họp với đại diện 30 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có người ứng cử; đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện và Chủ tịch Ủy ban MTTQ 50 xã, phường, thị trấn nơi có người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh cư trú để hướng dẫn việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của người ứng cử, nơi công tác hoặc nơi làm việc (nếu có) của người tự ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh.

Đến thời điểm này, các đơn vị MTTQ cấp xã đang chuẩn bị các nội dung, điều kiện đảm bảo để tiến hành tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp.

Qua báo cáo, phản ánh của các đơn vị cho thấy việc tổ chức các hội nghị được chuẩn bị chu đáo; tỷ lệ cử tri quan tâm đến dự hội nghị đảm bảo số lượng theo quy định, đồng thời bày tỏ tin tưởng và mong muốn các ứng cử viên nếu được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp sẽ phát huy hết trí tuệ, phẩm chất, năng lực tham gia các hoạt động của Quốc hội, HĐND, là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Để đảm bảo cơ cấu, thành phần, số lượng theo đúng quy định, Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc có cách giám sát như thế nào để có thể tìm ra được những ứng cử viên vừa có tài, vừa có đức tham gia ĐBQH và HĐND các cấp, thưa ông?

- Tiêu chuẩn ĐBQH và đại biểu HĐND đã được quy định rất rõ theo Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Yêu cầu đặt ra là phải chọn những người, những đại biểu đủ tiêu chuẩn. Thực tiễn cho thấy, quy trình lựa chọn đại biểu phải bảo đảm có uy tín và tín nhiệm cử tri. Đây là thước đo rất quan trọng trong tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp.

Thông qua hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp có cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan những người ứng cử để hiệp thương lập danh sách người đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu, xứng đáng tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba.

Ðể tổ chức tốt các hội nghị này, Mặt trận các địa phương có kế hoạch cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người được giới thiệu ứng cử về khu dân cư của mình để lắng nghe ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ cần tổ chức thực hiện tốt chức năng giám sát và phát huy quyền giám sát của nhân dân về tiêu chuẩn đối với người ứng cử, nhất là giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống ở nơi làm việc và nơi cư trú; những quy định về thực hiện việc nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo và đảng viên khi tham gia ứng cử.

Qua phát hiện của người dân, MTTQ đã tập hợp, phản ánh kịp thời với cơ quan có thẩm quyền xem xét, kết luận, nếu không đảm bảo các tiêu chuẩn thì sẽ báo cáo hội nghị hiệp thương xem xét, không đưa vào danh sách ứng cử.

Ông có thể cho biết nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc tập trung thực hiện để đảm bảo cho kỳ bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp thành công?

- Để cuộc bầu cử diễn ra đúng luật, đảm bảo dân chủ, trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục triển khai các nội dung trong công tác bầu cử liên quan đến quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam theo quy định của pháp luật; đồng thời tiến hành đôn đốc Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban MTTQ cấp xã tổ chức hội nghị lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử; chủ trì thực hiện tốt công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND đảm bảo dân chủ, đúng tiến độ.

Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp tổ chức tốt các hội nghị cử tri để những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri thực hiện quyền vận động bầu cử, bảo đảm sự công bằng giữa những người ứng cử trong việc vận động bầu cử, không vi phạm những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử theo quy định.

Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử để người dân ý thức được quyền và nghĩa vụ công dân trong bầu cử, tự mình đi bỏ phiếu để lựa chọn người thực sự xứng đáng bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy quyền giám sát của nhân dân