Tới thời điểm này, nhiều tỉnh, thành đã thông báo nghỉ học trực tiếp trong khi vẫn chưa thực hiện kiểm tra cuối kỳ. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một trong những phương án đưa ra là kiểm tra trực tuyến hoặc nghỉ hè sớm, khi nào trở lại trường được thì sẽ tiến hành kiểm tra cuối kỳ. Phương án nào cũng khiến xã hội băn khoăn.
Chị Hải Lý có con đang học lớp 1 tại Trường Tiểu học Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, đầu tuần vừa rồi, nhà trường thông báo học sinh (HS) sẽ thi cuối kỳ bằng hình thức trực tuyến.
Chung một nỗi lo
Cụ thể, với môn Toán, giáo viên chủ nhiệm sẽ chia mỗi đợt thi có 5 HS vào Zoom, những HS khác ở phòng chờ giáo viên (GV) duyệt thì vào thi. HS sẽ chọn 1 trong 4 đề thi bất kỳ hiện trên màn hình và khi đề được mở ra, HS sẽ thực hiện phần thi của mình. GV lưu ý, các bài thi này là những bài ngoài sách giáo khoa (SGK) và ngoài đề cương. Bên cạnh đó, sẽ có GV ngoài lớp vào trông thi để đảm bảo khách quan, minh bạch. Khi đó, nhà trường lưu ý phụ huynh HS quan tâm chuẩn bị máy tính để các cháu thi thành công.
“Đến chiều tối ngày 13/5, GV chủ nhiệm lại thông báo cả lớp nghỉ hè luôn từ 15/5, khi nào đi học trở lại sẽ thông tin sau. Gia đình đang lo “huấn luyện” con thi trực tuyến như thế nào, giờ lại chuyển sang nỗi lo nghỉ hè, không động đến sách vở, chữ nghĩa có rơi hết hay không?”, chị Hải Lý bày tỏ.
Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều bậc phụ huynh có con học lớp 1 năm nay. Bởi các cháu mới tiếp xúc với việc học chưa lâu, một năm nghỉ dịch bệnh đến 2 lần, lại học SGK mới nhiều thứ bỡ ngỡ với cả thầy cô và phụ huynh nên chỉ mong con học xong rồi thi luôn, đánh giá kết quả học tập luôn chứ để thêm 1, 2 tháng nữa không động đến sách vở, khác gì bảo con… học lại từ đầu! Đến lúc đó thi ra sao?
Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có nội dung kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, đến ngày 16/5 thông tư này mới bắt đầu có hiệu lực. Hiện các Sở GDĐT chưa chính thức ban hành văn bản hướng dẫn việc kiểm tra đánh giá học trực tuyến.
Chung nỗi lo nghỉ hè quên hết kiến thức, một phụ huynh có con học lớp 7 ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, con chị đang cặm cụi học zoom, làm bài về nhà để chờ kiểm tra cuối kỳ thì nghe thông báo nghỉ học. Mặc dù ngày 14/5 mới là buổi học cuối cùng nhưng ngay tối hôm nghe tin, con đã xếp sách vở sang một bên và cho biết, khi nào đi học lại sẽ ôn tập chứ giờ ôn, còn lâu mới thi cũng không nhớ được!
Tâm trạng “thi rồi mới học” là khá phổ biến nên không bất ngờ khi kỳ kiểm tra hết năm học chưa diễn ra nhưng nhiều HS đã quyết định tạm thời buông bỏ sách vở sang một bên.
Phụ huynh có phải “vào cuộc” với con?
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở GDĐT Đà Nẵng đã hướng tới hình thức kiểm tra học kỳ II trực tuyến đối với HS các lớp 6,7,8, 10 và 11.
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng cho biết, Sở đã xây dựng quy trình coi thi, kiểm tra cụ thể để phổ biến cho HS, GV. Bên cạnh đó, với tình hình dịch phức tạp như hiện nay, nếu cứ chờ đợi thì không biết đến bao giờ HS mới hoàn thành năm học này. Vì vậy, phương án thi trực tuyến được tính đến như là một cơ hội cho cả GV, HS tiếp cận với hình thức thi đã phổ biến trên thế giới nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Riêng với cấp tiểu học, Sở GDĐT Đà Nẵng thông báo các trường sẽ in, sao đề kiểm tra, tập hợp đề của các môn (mỗi HS 1 tập đề các môn kiểm tra) theo từng lớp để gửi đến phụ huynh HS, thông qua GV chủ nhiệm. GV chủ nhiệm sẽ thống nhất với phụ huynh HS về cách thức nhận đề, nộp bài làm của HS. Các phụ huynh nhận đề tại trường hoặc GV chủ nhiệm chuyển đề qua internet để phụ huynh tự in đề cho HS làm bài; bài làm của HS được nộp tại trường theo lịch hoặc chụp ảnh bài làm của HS gửi GV chủ nhiệm.
Như vậy, việc kiểm tra trực tuyến hay thông qua thi viết với HS tiểu học đều là thực hiện tại nhà. Câu hỏi đặt ra là làm sao để đảm bảo công bằng, khách quan? Bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh Hà Nội cho rằng, hình thức thi online kêu gọi mỗi HS đều phải tự giác và sự vào cuộc của phụ huynh. Phụ huynh cần hướng cho con cách để trung thực trong kiểm tra thay vì tìm các giải pháp hỗ trợ đáp án trong lúc con làm bài thi.
Trong khi đó, Sở GDĐT Đà Nẵng yêu cầu, trong khi kiểm tra tại nhà, HS phải tự giác, nghiêm túc tự làm bài, không có sự tham gia của cha mẹ, anh chị, người thân hoặc bạn bè. Nếu kết quả bài kiểm tra bất thường so với quá trình đánh giá thường xuyên thì giáo viên đề xuất với nhà trường cho HS làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của HS.
Đảm bảo đề thi phù hợp
Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về đánh giá, xếp loại HS THCS và THPT quy định các hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ như thực hiện bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính; bài thực hành; dự án học tập. Tùy điều kiện của các nhà trường đối với từng môn học mà hiệu trưởng quyết định áp dụng hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ nào phù hợp, đảm bảo khách quan, trung thực.
Nếu kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến, đề thi phải thiết kế phù hợp để đánh giá đúng năng lực HS, có biện pháp theo dõi quá trình làm bài của các em. Đối với việc kiểm tra đánh giá bằng bài thực hành, dự án học tập, HS phải tự trình bày báo cáo qua hình thức trực tuyến để GV có thể phỏng vấn qua mạng nhằm đánh giá đúng năng lực của HS.
Như vậy, đề thi là một nội dung quan trọng khi tổ chức thi trực tuyến, đòi hỏi nhà trường cùng GV phải chuẩn bị được ngân hàng câu hỏi phù hợp, chính xác và đủ lớn, thiết kế đề thi có độ khó tương đương nhau để đảm bảo việc đánh giá chính xác năng lực của HS do sẽ có nhiều hơn 1 HS trong phòng thi. Nội dung câu hỏi cũng cần được thống nhất trong toàn trường, tránh rơi vào phần đã giảm tải hoặc vào phần học online để không bị thiệt thòi với những HS không có điều kiện học đầy đủ.
Băn khoăn thứ hai là hình thức thi trực tuyến sẽ phù hợp với các môn thi trắc nghiệm như tiếng Anh, Địa lý… còn những môn cần đọc và viết thì sẽ tiến hành ra sao? Theo một GV dạy tiểu học, khi thi đọc và viết môn Tiếng Việt, GV có thể kiểm tra từng HS theo hình thức mặt đối mặt thông qua Zoom.
Hoặc khi HS thi viết online, GV cần yêu cầu toàn bộ thí sinh bật camera, cán bộ coi thi phải quan sát được thí sinh làm bài và đảm bảo xung quanh thí sinh không có người hỗ trợ, mặt bàn không có tài liệu. Đồng thời, thí sinh chỉ được phép đăng nhập 1 thiết bị, 1 tài khoản để làm bài…
Theo các chuyên gia giáo dục, việc kiểm tra bằng hình thức trực tuyến chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định về cả phía cô và trò nhưng về cơ bản, có thể hoàn toàn khắc phục được với sự hướng dẫn của GV và phụ huynh. Muốn vậy, cô và trò cần làm quen với những hình thức thi này sớm để khi thực sự bước vào “phòng thi” online, HS không quá bỡ ngỡ, lo lắng, ảnh hưởng đến việc thể hiện của các em.
TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho biết, đối với bậc tiểu học, việc đánh giá thực chất không quá khó khăn vì lâu nay việc kiểm tra ở cấp học này vẫn khá nhẹ nhàng. Thầy cô luôn có những đánh giá thường xuyên trong suốt năm học, vì thế sẽ dễ dàng xếp loại và xét lên lớp. Nếu cần thực hiện theo quy định về kiểm tra đánh giá định kỳ trực tuyến, chỉ nên kiểm tra, đánh giá những kiến thức trọng tâm trong nội dung giảng dạy. Bài kiểm tra có thể hạn chế những câu đòi hỏi vận dụng cao, nhưng vẫn phải đảm bảo các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng.