Điểm thi tốt nghiệp càng cao thì điểm ưu tiên càng giảm là một trong những điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngành giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành. Quy chế này bắt đầu thực hiện từ năm 2023 với thí sinh đạt tổng 3 môn từ 22,5 điểm trở lên.
Sẽ không còn thí sinh đạt hơn 30 điểm
Một trong những điểm mới của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay đó là các nội dung liên quan tới chính sách ưu tiên. Cụ thể, theo quy chế, một thí sinh sẽ được hưởng tối đa 2 loại ưu tiên về đối tượng và khu vực sẽ được cộng 2,75 điểm khi tham gia xét tuyển. Với ưu tiên khu vực, Bộ vẫn giữ nguyên 4 khu vực như từ trước đến nay. Mức điểm ưu tiên áp dụng cho KV1 là 0,75 điểm, KV2 - nông thôn là 0,5 điểm, KV2 là 0,25 điểm (theo thang điểm 30). KV3 không được tính điểm ưu tiên. Về đối tượng ưu tiên vẫn giữ 2 nhóm như từ trước đến nay với mức cộng tối đa áp dụng cho nhóm đối tượng ưu tiên 1 (gồm các đối tượng 1 đến 4) là 2,0 điểm; nhóm đối tượng ưu tiên 2 (gồm các đối tượng 5 đến 7) là 1,0 điểm (theo thang điểm 30).
Tuy nhiên, từ năm 2023, với những thí sinh đạt tổng điểm tổ hợp 3 môn ở mức khá giỏi (22,5 điểm) trở lên sẽ giảm dần điểm ưu tiên. Cụ thể, nếu thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30), mức điểm ưu tiên mà thí sinh được hưởng tính theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên theo khu vực, theo đối tượng của thí sinh.
Theo lý giải của Bộ GDĐT, với công thức tính điểm ưu tiên này, sang năm sẽ không xảy ra bất kỳ trường hợp nào điểm chuẩn trên 30 điểm, vì khi thí sinh đạt 30 điểm/3 môn nghĩa là điểm ưu tiên của thí sinh sẽ bằng 0. Điều chỉnh này đã được Bộ sửa đổi căn cứ vào góp ý của dư luận xã hội và các nhà chuyên môn, căn cứ vào dữ liệu điểm thi và điểm xét tuyển những năm gần đây.
Có bất công cho thí sinh điểm cao?
Bộ GDĐT cho rằng, chế độ cộng điểm ưu tiên cũng tương tự như các chế độ chính sách hỗ trợ khác, không thể chỉ cào bằng theo điều kiện từng khu vực, mà còn phải căn cứ mức độ khó khăn cần hỗ trợ của từng đối tượng. Bộ dẫn chứng ví dụ như: Trong cùng một khu vực, một gia đình ít khó khăn hơn một gia đình khác sẽ được hỗ trợ ít hơn, thậm chí không cần hỗ trợ. Tuy nhiên hiện nhiều học sinh vẫn không cảm thấy thỏa đáng với cách giải thích này. Bởi theo các em việc so sánh chính sách ưu tiên khu vực với chính sách hộ nghèo là khập khiễng.
Phạm Mạnh Hùng (lớp 12A4, Trường THPT Phủ Lý A, Hà Nam) cho biết, dù năm nay chưa áp dụng chính sách cộng điểm ưu tiên này đối với khóa thi của Hùng nhưng là một thí sinh, em thấy việc người đạt điểm cao hơn được cộng điểm ưu tiên ít hơn so với người được điểm thấp không công bằng. “Cùng học một trường, thậm chí cùng một thầy cô thì tại sao điểm cộng lại không như nhau? Người cố gắng, chăm chỉ học tập để được điểm cao thì cuối cùng cũng chỉ có tổng điểm bằng bạn ít cố gắng hơn do không có điểm ưu tiên là vô lý. Trong khi chênh nhau 0,5 điểm là đã đỗ hoặc trược ĐH” - Hùng nói.
Trên thực tế, hàng năm tuyển sinh đều ghi nhận rất nhiều các trường hợp điểm cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng mong muốn do không có hoặc có ít điểm ưu tiên hơn các thí sinh khác. Đặc biệt, có những ngành dù đạt tối đa 30 điểm/3 môn thi nhưng thí sinh vẫn… trượt ĐH do không có điểm ưu tiên, các chuyên gia cho rằng đây là bất cập cần được tháo gỡ.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, chính sách ưu tiên khu vực đã liên tục được điều chỉnh trong những năm qua nhằm khắc phục những điểm bất hợp lý xảy ra trong thực tế. Điều chỉnh này không chỉ nằm ở mức điểm mà trong bảng phân chia khu vực ưu tiên cũng được rà soát điều chỉnh liên tục phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền là hợp lý. Về mức điểm cộng khu vực hiện nay, ông Nghĩa cho rằng chưa phải giải pháp tối ưu mà cần có giải pháp đồng bộ ở công tác ra đề thi, chấm thi phải nghiêm túc, không để xảy ra tiêu cực.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, công bằng ở đây cần được hiểu là sự công bằng trong cạnh tranh vào các ngành, vào các trường ở mức tương đương nhau. Một thí sinh ở KV1 đạt được 23 điểm thì không cạnh tranh với thí sinh cũng ở KV1 đó mà đạt 22 điểm. Như vậy, việc em đạt 23 điểm được cộng ít điểm ưu tiên hơn nhất định không thể thua thiệt hơn em đạt 22 điểm. Nhưng, thí sinh đạt 23 điểm này đang cạnh tranh với các thí sinh ở khu vực khác để vào được ngành và trường tương ứng với mức điểm cao này.
Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp hàng năm. “Áp dụng chính sách ưu tiên là nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Việc áp dụng chính sách xã hội là cần thiết, tuy nhiên cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ này lại làm cho nhóm thí sinh khác bị rơi vào bất lợi và yếu thế” - bà Thủy nói.