Một số địa phương đã có chủ trương và triển khai sáp nhập thư viện cấp tỉnh, cấp huyện với các cơ sở văn hóa khác như Bảo tàng, Ban Quản lý di tích, Trung tâm Văn hóa… Tuy nhiên, việc sát nhập mang nặng về tính “cơ học” của nhiều địa phương đang đặt ra những dấu hỏi về sự hiệu quả.
Mới đây ở cấp tỉnh có Long An, Lai Châu và Kon Tum đã có Nghị quyết, kế hoạch triển khai sáp nhập Thư viện tỉnh với Bảo tàng, Ban Quản lý di tích tỉnh. Lào Cai sáp nhập thư viện tỉnh với Trung tâm Văn hóa. Ở cấp huyện có huyện Cao Phong (Hòa Bình), TP Thái Nguyên (Thái Nguyên), huyện Côn Đảo, Châu Đốc (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), quận Ninh Kiều (Cần Thơ) sáp nhập với Trung tâm Văn hóa, Đài Truyền thanh huyện. Riêng thư viện TP Bắc Kạn sáp nhập về thư viện tỉnh… Có thể thấy, đây là một trong những “động thái” khá tích cực nhằm “tinh giảm” bộ máy hoạt động về văn hóa vốn cồng kềnh nhưng thiếu hiệu quả của nhiều địa phương. Tuy nhiên, với nhưng mảng ghép “yếu kém” tại các địa phương khi sáp nhập vào thành một đang đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả.
Theo Ths Nguyễn Hữu Giới – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL): Mới đây dự án cho thư viện thiếu nhi ở một tỉnh miền núi phía Bắc cách đây chưa lâu (trị giá hơn 3 tỷ đồng) không thể thực hiện, do không có nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, việc chủ động đổi mới các phương thức hoạt động phục vụ, tuyên truyền giới thiệu sách ở nhiều địa phương còn chậm (nhất là ở cấp huyện). Ngoài ra, theo ông Giới công tác cán bộ thư viện từ nhiều năm nay, chúng ta chưa thực sự chú trọng và quan tâm đến đội ngũ cán bộ này.
Những bài học “nhãn tiền” trong việc sáp nhập vẫn luôn là những điều tưởng “lợi mà thành hại”. Đơn cử, như vụ việc Thư viện TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh tiêu hủy hơn 10.000 cuốn sách. Đây có thể coi bài học khi một số thư viện sau khi bị sáp nhập đã không còn thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình, không phát huy được hiệu quả phục vụ nhu cầu khai thác và sử dụng thông tin của người dân; hiện tượng thất thoát, hư hỏng, mai một khối lượng lớn sách, tài liệu khá phổ biến. Bên cạnh đó, tại các thư viện huyện đã sáp nhập vào trung tâm văn hóa, có một thực tế là thời gian dành cho hoạt động chuyên môn thư viện bị cắt xén, cán bộ thư viện bị điều động đi làm các việc “bề nổi” của trung tâm. Tuy nhiên, với biên chế 1, 2 người thì việc sáp nhập thư viện huyện vào trung tâm văn hoá là có thể chấp nhận được còn ở cấp thư viện tỉnh thì khác vì quy mô hoạt động và tổ chức bộ máy là rất lớn.
Gắn bó lâu năm trong lĩnh vực thư viện, ông Kiều Văn Hốt - nguyên Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam cho rằng: Việc sáp nhập thư viện huyện vào trung tâm văn hoá đã được một số địa phương thực hiện từ nhiều năm nay, còn việc sáp nhập thư viện tỉnh vào cơ quan khác thì mới gần đây. Đã có một thời kỳ nhiều thư viện tỉnh nằm dưới sự quản lý của cơ quan khác chứ không trực thuộc Sở VHTTDL. Điều này gây trở ngại lớn cho hoạt động thư viện nên nhà nước đã có điều chỉnh để thư viện tỉnh trở thành cơ quan có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Hiện nay, nếu cứ sáp nhập một cách ồ ạt, mang tính cơ học thì thư viện tỉnh sẽ mất vị trí vài trò đối với bạn đọc và tổ chức hoạt động sẽ khó khăn.
Với thực tế trên, việc sáp nhập một cách cơ học các thiết chế văn hóa thao, đặc biệt là các đơn vị cấp tỉnh (huyện) cần được xem xét cân nhắc thật kỹ lưỡng. Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tăng cường các loại hình đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân thì các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, cần trở thành kênh thông tin hữu hiệu. Đặc biệt, việc sáp nhập cần phải tạo ra một môi trường văn hóa thực sự hiệu quả, chứ không thể sáp nhập rồi lại “mèo lại hoàn mèo”.