Hội nhập kinh tế đến gần, yêu cầu thực tế đòi hỏi tính cạnh tranh cao đang buộc doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải bước vào cuộc “so găng” mới với những “đối thủ đáng gờm”. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và DN có phần bất an và cảm thấy niềm tin lung lay một chút khi những chỉ số về sức khỏe DN mới được công bố.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm cả nước có 26.478 DN thành lập mới. Bình quân mỗi ngày có 294 DN ra đời nhưng cũng có 265 DN rời thị trường. Tổng cục Thống kê tính toán, cứ 10 DN thành lập mới có tới 9 DN giải thể, tạm ngưng hoạt động.
Ảnh minh họa.
Điều đáng ngại hơn, đại diện đơn vị này còn thông tin thêm, trong số các DN thành lập mới năm 2016 chỉ có 41% có doanh thu và nộp thuế, 59% còn lại thành lập nhưng chưa hoạt động hoặc chưa có doanh thu.
Năm 2016, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, 50% DN đang ở tình trạng kinh doanh thua hoặc hòa vốn, 42% có lãi.
Theo VCCI, 42% DN trên thị trường có lãi là điều không bình thường cho thấy hiệu quả kinh doanh quá thấp. Tương tự, Hiệp hội DN TP HCM cho hay, tình trạng DN khó khăn phải ngưng hoạt động, giải thể tăng lên hàng năm.
Đơn cử, năm 2010 có 47.000 DN, năm 2011 gần 54.000 DN, năm 2014 khoảng 67.800 DN, năm 2015 có khoảng 81.000 DN. Nguyên nhân chủ yếu do khủng hoảng kinh tế kéo dài; chính sách vĩ mô chưa đồng bộ, chưa phù hợp với yêu cầu mới; lãi suất tăng cao; tiếp cận nguồn vốn khó khăn,…
Giải thích về khó khăn của cộng đồng DN, các chuyên gia cho rằng, lãi suất cao, chi phí ngoài luồng, chi phí không chính thức lớn làm ảnh hưởng đến khả năng chống chọi của DN.
Ngoài ra, việc dễ dàng thành lập DN cũng dẫn đến tình trạng trên. Song cho dù là bất cứ nguyên nhân gì thì cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải xem lại.
Không thể thấy, số DN thành lập mới bằng số DN “xin chết” rồi yên tâm. Dù sao DN cũ cũng có khả năng cạnh tranh và dày dạn kinh nghiệm chinh chiến trên thương trường hơn DN mới thành lập.
Bàn về khả năng phát triển và cạnh tranh trong tình hình mới đại diện các DN khẳng định, “cuộc chiến” thương mại thiếu cân sức cũng chẳng có gì làm đáng sợ.
Điều quan trọng hiện nay, cần một hậu phương vững chắc, hậu thuẫn, tiếp sức và tạo điều kiện để thực hiện chiến lược kinh doanh.
Mặc dù Chính phủ và lãnh đạo các địa phương cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, môi trường đầu tư thông thoáng, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như khởi nghiệp trên địa bàn, tuy nhiên hiệu quả chưa thật sự như mong đợi.