Mới đây, tại buổi sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội xuân Đinh Dậu năm 2017 do Bộ VHTT&DL với sự có mặt của nhiều cơ quan quản lý ở các địa phương, vấn đề thương mai hóa lễ hội tiếp tục được các địa biểu đưa ra phân tích, làm rõ.
Lễ hội chọi trâu tại nhiều địa phương được coi là di sản, nhiều nơi bị coi là phản cảm.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoa- Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT&DL Bắc Ninh), đơn cử như sự việc “ngả nón” xin tiền tại hội Lim vừa qua đang bị hiểu sai. Việc các nghệ nhân chủ động “ngả nón” xin tiền đáng bị lên án nhưng việc người dự hội muốn “thưởng” cho các nghệ nhân, người hát quan họ và đây là hành động hết sức văn minh.
Ông Nguyễn Vũ Phan- Quyền Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tuyên Quang cho rằng, việc tổ chức chọi trâu nên dựa vào ý kiến cộng đồng, chúng ta không thể quản lý lễ hội theo kiểu “thuần khiết” như xưa. Cơ quan quản lý nhà nước phải tính đến yếu tố thương mại của các lễ hội, vì đã tổ chức lễ hội thì phải có bài toán cho người dự hội.
Nhiều người đến dự lễ hội mà địa phương không có dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt là không thể được. Hơn nữa, với nhiều quốc gia, tổ chức lễ hội là thêm cơ hội phát triển du lịch và kéo theo nhiều ngành thương mại khác phát triển, trong khi ở nước ta vẫn để phí tài nguyên.
Về những quan điểm này, GS.TS Lê Hồng Lý- Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa phân tích: Việc gắn di sản, lễ hội với du lịch ở ta vẫn còn yếu, chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Trong thời đại kinh tế thị trường, nhu cầu tín ngưỡng ngày một lớn thì không thể hạn chế được đám đông.
Việc thương mại trong lễ hội không xấu, chỉ là cách làm, cách quản lý tổ chức chưa đúng mà thôi. Trước mắt, các nhà quản lý cần phải nghiên cứu vì sao phản cảm. Hoạt động chọi trâu, nếu các địa phương quản lý được, không để xảy ra cá cược, cờ bạc trá hình thì không xấu. Tuy nhiên, hiện nay, việc này lại không kiểm soát được.
Vì vậy, theo GS Lê Hồng Lý, chỉ cho phép tồn tại lễ hội chọi trâu đã có trong truyền thống. Còn với các địa phương xin phép tổ chức mới thì không nên. “Hiện nay, các lễ hội đều tổ chức dưới hình thức xã hội hóa, họ phải lấy thu bù chi nhưng đương nhiên không thể khuyến khích thu bất chính”- GS Lý cho hay.
Ở một góc độ khác, PGS Đặng Văn Bài- Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, tổ chức lễ hội làm sao phải để giá trị đạo đức đi vào đời sống. Ông cũng cho rằng cần xây dựng nếp sống văn hóa mới từ công sở, gia đình, nhà trường, tại mọi nơi và lễ hội chỉ là bề nổi.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện: Chúng ta đang hiểu thương mại hóa có nghĩa là lợi dụng lễ hội để thu lợi bất chính cho cá nhân. Đây là những việc làm không chính đáng, không đúng quy định của pháp luật. Còn khía cạnh tích cực là kinh tế của lễ hội cần phải hiểu rõ.
Ở đây, người dân đi lễ hội địa phương xem như khách du lịch và nên khuyến khích. Do đó, việc tổ chức lễ hội cũng là cách thu hút khách du lịch và cần khuyến khích. Nhưng giữa khía cạnh thương mại hóa và kinh tế cần phải hiểu rạch ròi.
“Ở đó, nhưng khoản thu từ lễ hội không thể để vào túi riêng của một cá nhân. Đương nhiên việc tổ chức lễ hội xã hội hóa thì những người tham gia cũng phải lấy một phần thu để bù chi. Nhưng những khoản thu được phải hoàn toàn hợp pháp”- Bộ trưởng Bộ VHTT&DL nhấn mạnh.