Băn khoăn trước ngày 'tự chủ'

Vũ Trần 01/06/2017 07:50

Sau nhiều lần trì hoãn, Dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (Dự thảo Nghị định) gần đây mới có thể trình Chính phủ, dù xung quanh Dự thảo vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn.

Trung tâm chiếu phim quốc gia là đơn vị hiếm hoi của Bộ VHTT&DL đạt kết quả trong thực hiện tự chủ.

Chưa thể hiện được tính đặc thù

Theo nội dung Dự thảo Nghị định do Bộ VHTT&DL xây dựng, các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực này sẽ được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm một cách toàn diện, cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cho phép các đơn vị sự nghiệp công được tự chủ về tài chính, tự quyết định tham gia đấu thầu cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị; cũng như được hợp tác, liên kết với các tổ chức, cá nhân để cung cấp các dịch vụ sự nghiệp đáp ứng nhu cầu của xã hội...

Cũng theo Dự thảo, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ càng cao về tài chính thì được tự chủ cao hơn về tổ chức thực hiện nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, nhân sự. Dự thảo cũng phân chia các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực VHTT&DL thành 4 nhóm: Đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên; đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và đơn vị do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng cho phép các đơn vị sự nghiệp công được xác định giá dịch vụ sự nghiệp theo cơ chế thị trường, được quyết định các khoản thu, mức thu đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy, đối với dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước...

Tuy nhiên, ngay cả những quy định tưởng chừng như rạch ròi, nhưng thực tế lại đang bị đánh giá là chung chung, hoặc chưa thể hiện được hết đặc thù của các đơn vị, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong các cuộc họp lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện cho Dự thảo Nghị định trước đó.

Cụ thể như cơ chế đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách cho các đơn vị sau khi Nhà nước ngừng hỗ trợ chi thường xuyên sau năm 2020 ra sao?

Tính đồng bộ với các quy định mới, có liên quan chưa được thể hiện rõ. Cũng xin nói thêm, Dự thảo Nghị định được khởi dựng từ năm 2015, nhưng đến nay mới có thể trình Chính phủ xem xét thông qua.

Loay hoay triển khai

Sự lúng túng của Bộ VHTT&DL trong việc thực hiện giao quyền tự chủ không chỉ thể hiện trong quá trình xây dựng văn bản, mà ngay cả trong thực tế triển khai thí điểm của một số đơn vị trực thuộc Bộ vừa qua cũng cho thấy điều này.

Thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, từ năm 2015, một số đơn vị nghệ thuật công lập trực thuộc Bộ VHTT&DL đã được chọn thí điểm chuyển đổi mô hình đơn vị sự nghiệp có thu sang tự hạch toán toàn bộ thu chi.

Theo lộ trình, toàn bộ 12 đơn vị nghệ thuật của Bộ này phải thực hiện tự chủ tài chính, trước mắt cắt giảm 30% ngân sách chi thường xuyên, chuyển sang đặt hàng tác phẩm để đến năm 2020 có thể tự chủ hoàn toàn. Tuy nhiên, đại đa số các đơn vị được giao thí điểm tự chủ một phần đều lúng túng và kêu khó.

Theo Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam Ngô Thanh Thủy để thành công, mỗi đơn vị cần xác định được thế mạnh và điểm yếu của chính mình, từ đó đặt ra các chỉ tiêu cần đạt được; cần nỗ lực nâng cao chất lượng biểu diễn theo hướng tiếp cận gần hơn với thị trường. Đó chính là giải pháp để các đơn vị nghệ thuật vẫn “sống” được và tiếp tục phát triển.

Việc giải bài toán tự chủ càng trở nên hóc búa đối với các đơn vị nghệ thuật. Đặc biệt là đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống kén khán giả và ít “đất” diễn trên thị trường hiện nay như tuồng, chèo, cải lương, việc “lấy nghệ thuật để nuôi nghệ thuật” quả thật gian nan, nhất là khi sân khấu vẫn đang ở thế khủng hoảng thiếu từ lực lượng sáng tạo, biểu diễn tới người thưởng thức.

Còn theo GS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, tự chủ được xem là bước đi đúng đắn để nâng cao tính chủ động, khuyến khích sự bứt phá, đổi mới của từng đơn vị nghệ thuật. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang cơ chế hoạt động mới sẽ khiến các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực VHTT&DL nói chung gặp nhiều khó khăn.

Trong khi hầu hết các đơn vị sự nghiệp công của Bộ VHTT&DL đang chật vật trên lộ trình tự chủ, thì trường hợp của Trung tâm chiếu phim quốc gia (NCC) được coi là một điểm sáng hiếm hoi khi thực hiện chủ trương này.

Từ nhiều năm qua, NCC đã tiên phong thực hiện tự chủ hoàn toàn và đến nay, đơn vị đã thực hiện hạch toán như một doanh nghiệp với doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước.

Để có được những thành công kể trên, theo ông Nguyễn Danh Dương- Giám đốc NCC, đó là nhờ Trung tâm đã mạnh dạn đưa hoạt động dịch vụ vào cùng với hoạt động chiếu phim.

Và thay vì trông chờ vào nguồn ngân sách cấp để thực hiện chủ trương này, NCC đã lựa chọn hình thức hợp tác kinh doanh với đối tác bên ngoài để khai thác dịch vụ, từ đó tăng nguồn thu cho đơn vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Băn khoăn trước ngày 'tự chủ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO