Trong 2 ngày 8 và 9/8, Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ XII (2016 - 2020) sẽ diễn ra tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam. Trước thềm đại hội, các văn nghệ sĩ Thủ đô đã có chia sẻ về những kỳ vọng và cả trăn trở để đưa văn học Hà Nội phát triển xứng tầm với vị thế đặc biệt là Thủ đô của đất nước. Dưới đây là ý kiến của 3 nhà thơ.
Nhà thơ Vi Thùy Linh.
Nhà thơ Vi Thùy Linh- Ủy viên Ban Nhà văn trẻ: Những người viết trẻ đang ở đâu?
Đây là suy nghĩ thôi thúc trong tôi nhiều năm nay. Và nó càng trở thành cơn nhức nhối ở năm thứ 21 tôi theo văn nghiệp.
Hội Nhà văn Hà Nội (NVHN) hiện có hơn 600 hội viên, đông nhất trong các hội nghề nghiệp địa phương cả nước, nhưng lực lượng hội viên tuổi U40 không đạt nổi số người bằng số ngón một bàn tay. Mất 22 năm Hội NVHN mới tổ chức được Hội nghị Những người viết văn trẻ lần 2 vào mùa thu năm 2015.
Ai đủ sức chờ “đi hội” lần nữa, dù chỉ mất 1/4 khoảng thời gian nói trên, bởi chỉ 1 nhịp 5 năm/lần Đại hội cũng dễ dàng biến người ta sang khung tuổi khác.
Tôi lấy làm lạ khi Việt Nam hơn 90 triệu dân, đất nước đang phát triển với cơ cấu công dân được coi là dân số trẻ, nhưng đặc trưng của các Hội nghệ thuật là rất đông hội viên già, nếu không nói là chủ yếu. Tôi là trẻ nhất khi vào Hội NVHN năm 2000 và Hội Nhà văn VN năm 2007.
Bằng ấy năm, tôi đã thấy, người trẻ gần như không có chân trong ban, hội đồng chuyên môn, hình như chẳng bao giờ được nghĩ đến việc bầu cử vào BCH.
Trẻ là sung sức nhưng thường bị coi là “non nớt” hay ấu trĩ cho rằng: xét tuổi là con, cháu sao lại vượt cấp người già? Chúng ta đã tụt lùi về tư duy, không bằng thế hệ trước.
Tôi không tin việc những người viết trẻ quay lưng lại Hội đoàn, song tại sao họ lại vắng mặt trong các cuộc họp, Đại hội - những sự kiện quần tụ, tập hợp?
Gần một thế kỉ trước đã có phong trào Làn sóng mới trong điện ảnh Ý, gần hết 2 thập niên của thế kỉ 21 lẽ nào làn sóng mới của nền văn học VN vẫn là ước mơ? Những người viết trẻ đang ở đâu? Họ mâu thuẫn nhau hay mâu thuẫn với ai? Hay mâu thuẫn với chính mình? Họ viết văn chỉ vì thích, tùy hứng.
Mấy ai đam mê sống chết, bởi nghề văn là lao động khắc nghiệt, dấn thân là nhọc mệt, thiệt thòi. Ít người trẻ chọn văn chương làm nghiệp chung thân bởi xu hướng thực dụng và ích kỉ ngày càng lớn trong xã hội. Một nhiệm kì nữa tôi sẽ qua tuổi 40, thế hệ sau tôi là ai, có những ai?
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến- Trưởng Ban Nhà văn trẻ: Đổi mới hoạt động của Hội
Văn học Thủ đô những năm qua đã có những bước chuyển biến khá lớn về mặt chất lượng nội dung và nghệ thuật trong các tác phẩm được trao giải thưởng.
Tuy nhiên, các tác phẩm văn học này thường tập trung vào các nhà văn đã khẳng định được tài năng và tên tuổi của mình trong giới văn chương nhiều năm qua. Tôi kiến nghị cụ thể 7 giải pháp.
Thứ nhất, BCH khóa tới cần có thêm các giải thưởng hàng năm. Mục đích là nhằm kịp thời động viên, khuyến khích, phát hiện và hỗ trợ cho những sáng tác tốt cho hội viên của chúng ta.
Thứ hai, chúng ta cần tham khảo cách làm của Hội Nhà văn TP HCM là hàng năm, các hội viên gửi bản thảo tác phẩm của mình về BCH Hội để xét tài trợ việc in ấn, xuất bản trên cơ sở chất lượng tác phẩm do các hội đồng chuyên môn và BCH Hội xem xét.
Việc tài trợ sáng tác cho tác phẩm của các hội viên những năm qua chưa làm được và khóa tới Hội cần triển khai ngay việc này để bảo vệ quyền lợi được chăm lo, hỗ trợ trong sáng tác của các hội viên.
Thứ ba, cần cải cách giải thưởng văn học hàng năm với mục đích là tập trung vào các tác phẩm của các nhà văn là hội viên Hội NVHN. Những năm vừa qua, có không ít tác phẩm không phải của hội viên Hội Nhà văn HN được trao giải thưởng, điều này đã gây ra nhiều dị nghị và thắc mắc.
Thứ tư, BCH cần tiếp tục duy trì thường xuyên và có hiệu quả các buổi sinh hoạt hội thảo chuyên đề vào ngày 10 đầu tháng như đã làm, ngoài các vấn đề thời sự văn học - xã hội và các tác giả văn chương lớn, Hội cũng nên cải tiến theo hướng dành phần lớn thời lượng các buổi này cho việc tọa đàm, trao đổi về tác phẩm văn học của các hội viên.
Để triển khai việc này, các hội viên của chúng ta cũng cần chủ động gửi các tác phẩm mới in có chất lượng và đề nghị BCH cho tổ chức tọa đàm, trao đổi.
Thứ năm, để bổ sung các tri thức, kiến văn và nâng cao mặt bằng sáng tác cho hội viên, BCH cần tổ chức các buổi bổ trợ, bổ cập các kỹ năng sáng tác thơ, văn, phê bình… cho đông đảo các hội viên, và mời các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi, có thành tựu đến trao đổi kinh nghiệm sáng tác, trao đổi về học thuật và các vấn đề của văn chương Việt Nam và đương đại.
Thứ sáu, tăng cường hoạt động của các Hội đồng chuyên môn, các Ban công tác và Trung tâm bồi dưỡng viết văn của Hội, để vận động xã hội hóa các nguồn tài trợ cho hoạt động của hội, tích cực tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của Hội; tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của các cơ quan chức năng, ban, ngành thành phố và các doanh nghiệp để vận động lập Quỹ Sáng tác văn học Hà Nội.
Thứ bảy, BCH khóa tới cần duy trì cách làm tốt của khóa trước là tổ chức các chuyến đi dã ngoại và thực tế sáng tác cho đông đảo hội viên nhưng cũng cần đặt mục tiêu chủ đề sáng tác cho từng chuyến đi vì đây là cơ hội để các nhà văn giao lưu, tìm hiểu đời sống văn hóa - xã hội của các vùng miền để thu thập tư liệu và khơi dậy nguồn cảm hứng trong sáng tạo văn chương.
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại.
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại - Phó Chủ tịch Hội NVHN: Kỳ vọng sự dấn thân
Đại hội là dịp nhìn lại và có giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập. Đó là một bộ phận không nhỏ các nhà văn xa rời cuộc sống, chưa dấn thân vào những điểm nóng, những trung tâm của phong trào cách mạng của người dân Thủ đô và cả nước; chỉ coi sáng tác văn học nhằm thỏa mãn cá nhân, thể hiện cái tôi nhỏ bé. Đó là sự chậm bước trong tiến trình hội nhập quốc tế, rút ngắn khoảng cách đối với những nền văn học tiên tiến trên thế giới.
Đại hội đặt ra mục tiêu tổng quát cho giai đoạn phát triển mới của văn học Thủ đô là: Xây dựng Hội NVHN thành một tổ chức văn học có lý tưởng chính trị, lý tưởng nhân văn cao đẹp; tập hợp, đoàn kết hội viên, bằng sáng tác văn học và các hoạt động khác, phấn đấu hết mình vì Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, góp phần xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thành một Hội nòng cốt của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng con người, sự nghiệp phát triển văn hóa, văn hóa nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội.
Cùng với việc đầu tư, đẩy mạnh sáng tác, hướng tới một nền văn học có chất lượng cao mang giá trị đặc trưng Việt Nam và kết tinh giá trị nhân loại; cải tiến phương thức hoạt động hội; Hội đặt ra cho mình nhiệm vụ đẩy mạnh hội nhập quốc tế, mở rộng giao lưu với các tổ chức văn học của các nước tiên tiến trên thế giới, trước hết là các nước có quan hệ hữu nghị truyền thống.
Đồng thời, tăng cường công tác dịch, giới thiệu, quảng bá thành tựu văn học của Thủ đô Hà Nội ra thế giới.
Trong số hơn 600 hội viên của Hội, có gần 300 hội viên đồng thời là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Cùng đó là một lực lượng viết trẻ đông đảo của một Thủ đô có hơn 7 triệu dân. Đây là một tiềm năng, một thế mạnh mà không một địa phương nào trong cả nước có được.
Đối tượng chủ yếu của văn học là con người. Hà Nội là Thủ đô của phẩm giá con người. Con người có phẩm giá nhất định sẽ tạo nên một nền văn học có phẩm giá.
Dấn thân vào cuộc sống, gắn bó máu thịt với nhân dân, bám sát các phong trào cách mạng của nhân dân là con đường dẫn đến thành công của một nhà văn chân chính. Bằng nhiệt huyết và tài năng, làm tỏa sáng trang đời trên trang viết- đó là sứ mệnh cao cả, là vinh quang của nhà văn.