Ngay cả những trường “top đầu” như ĐHQG TP HCM cũng thiếu đến 52 giáo sư mà nếu căn cứ theo tiêu chí mã ngành đào tạo tiến sĩ phải có 1 giáo sư thì không trường nào đảm bảo.
Ảnh minh họa.
Nghị định 73/2015/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 25/10/2015. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một bộ tiêu chí chi tiết, hoàn thiện để các trường có thể tự đánh giá và đánh giá ngoài.
Thách thức lớn
Một trong những tiêu chuẩn Nghị định 73 đặt ra đối với cơ sở giáo dục ĐH định hướng nghiên cứu là phải đạt tỷ lệ giảng viên, nghiên cứu sinh cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 30%; đối với ngành, chuyên ngành đào tạo theo định hướng nghiên cứu không thấp hơn 50%; mỗi chuyên ngành đào tạo tiến sĩ có ít nhất 1 giáo sư hoặc 3 phó giáo sư là giảng viên cơ hữu. Đây là một thách thức lớn với tất cả các trường ĐH trong nước. Ngay cả những trường “top đầu” như ĐHQG TP HCM cũng thiếu đến 52 giáo sư nếu căn cứ theo tiêu chí mã ngành đào tạo tiến sĩ phải có 1 giáo sư.
Hay như tiêu chí có ít nhất 80% giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu tham gia nghiên cứu khoa học có bài báo, công trình công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước hằng năm cũng là một thách thức. Hiện chưa có một thống kê cụ thể đối với các công bố trong nước. Ở nước ngoài, số lượng công bố quốc tế của một số trường ĐH của Việt Nam trên tổng số cán bộ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường vẫn rất thấp.
Cụ thể, theo một thống kê của hai nghiên cứu sinh Phạm Hiệp và Huỳnh Hữu Hiền, số bài báo công bố trên ISI của trường ĐH QG Hà Nội trên tổng số cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường là 141/81. Con số này ở ĐH Bách khoa Hà Nội là 138/703, ĐH QG TP HCM 94/1097, ĐH Tôn Đức Thắng 73/197, ĐH Cần Thơ 57/285, ĐH Duy Tân 52/122… Năng suất nghiên cứu khoa học không cao, chưa kể đến chất lượng của các bài báo, công trình này ra sao còn là điều cần xem xét.
Trao đổi với một nhà khoa học trẻ đồng thời là giảng viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc quy định giảng viên cơ hữu dành ít nhất 50% thời gian làm việc cho nghiên cứu khoa học trong bối cảnh đồng lương giáo viên và ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp là điều rất khó để thực hiện. Chưa kể, số giờ lên lớp nhiều và số lượng sinh viên đông cũng chiếm mất nhiều thời gian của giảng viên nên ít có thời gian dành cho nghiên cứu khoa học.
Biến thành “chất xúc tác”
Theo ông Phạm Tất Dong, việc phân tầng và xếp hạng đối với các trường ĐH ở Việt Nam hiện nay là cần thiết và phù hợp với xu thế quốc tế. Thông qua việc phân tầng, xếp hạng ĐH sẽ giúp các cơ sở giáo dục ĐH định hướng rõ ràng mục tiêu đào tạo, công khai chất lượng và uy tín của các trường đối với xã hội, đặc biệt là người học. Những tiêu chí cụ thể mà Nghị định 73 đưa ra có thể chưa thật sự là một thang đo hoàn thiện để đánh giá, sắp xếp các cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam. Nhưng đây cũng là một trong những cơ sở để nhìn nhận một cách tổng thể về cơ sở giáo dục ĐH trong nước. Ông Dong kỳ vọng Nghị định sẽ là chất xúc tác quan trọng để giúp các cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam nhìn nhận và đánh giá thực chất lại mình đang ở đâu, cần làm gì để vươn lên tầm khu vực và thế giới.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đề xuất việc cần làm trước mắt là cần xây dựng bộ tiêu chí hoàn thiện, cụ thể và chính xác hơn để làm cơ sở để phân tầng, xếp hạng các cơ sở đào tạo ĐH tránh tình trạng mỗi trường một phách. Có thể tham khảo nhiều bộ tiêu chí của các nước tiên tiến và bộ 9 tiêu chí của Bảng xếp hạng QS châu Á, Bảng xếp hạng QS World…
Lộ trình thực hiện cụ thể Nghị định 73 là: cơ sở giáo dục ĐH tiến hành tự đánh giá theo tiêu chuẩn phân tầng và xếp hạng quy định tại Chương II và Chương III của Nghị định và hướng dẫn thực hiện Nghị định của Bộ GD&ĐT; lập báo cáo tự đánh giá và công bố trên trang thông tin của cơ sở giáo dục ĐH. Cơ sở giáo dục ĐH đăng ký thực hiện phân tầng, xếp hạng với tổ chức phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH; Tổ chức phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH; đánh giá ngoài cơ sở giáo dục ĐH, báo cáo Bộ GD&ĐT kết quả phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH theo chu kỳ quy định. Sau khi thẩm định báo cáo của tổ chức phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT sẽ đệ trình kết quả để Thủ tướng Chính phủ công nhận. |