Trước diễn biến rất phức tạp, khó lường và ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, năm 2020, Ban Kinh tế Trung ương đã theo dõi sát những diễn biến, xu hướng kinh tế thế giới để chủ động xây dựng các Báo cáo chuyên đề trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm phục vụ nhu cầu công tác.
Sáng 5/1, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021. Dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng. Về phía Ban Kinh tế Trung ương có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng các Phó Ban và cán bộ của Ban.
Một năm bận rộn
Báo cáo công tác của Ban Kinh tế Trung ương do Phó Trưởng ban Nguyễn Hữu Nghĩa trình bày nêu rõ: Năm 2020, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng nề trên hầu hết các lĩnh vực bởi đại dịch Covid-19. Kinh tế thế giới suy thoái sâu; các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế sụt giảm; các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Trong nước, tình hình thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, vừa phòng, chống có hiệu quả dịch Covid-19 vừa ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.
Với vai trò là cơ quan tham mưu của BCH Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định các chủ trương, giải pháp lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ công tác theo kế hoạch đề ra, đặc biệt là các nhiệm vụ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, qua đó tham mưu để Bộ Chính trị ban hành một số chủ trương lớn, quan trọng về phát triển kinh tế ngành và kinh tế địa phương.
Cụ thể: Trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chủ trì, phối hợp với Thành ủy Cần Thơ xây dựng, hoàn thành Đề án tổng kết Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chủ trì phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa xây dựng, hoàn thành Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
“Trước diễn biến rất phức tạp, khó lường và ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và ở nước ta, Ban Kinh tế Trung ương đã theo dõi sát, nắm chắc tình hình và tác động của dịch bệnh, những diễn biến, xu hướng kinh tế thế giới để chủ động nghiên cứu, xây dựng các Báo cáo chuyên đề, cụ thể: Báo cáo “Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế Việt Nam - Định hướng giải pháp điều hành thời gian”; Báo cáo chuyên đề "Đánh giá tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu đến ngành dầu khí nước ta và các đề xuất, kiến nghị"; Báo cáo “Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giải pháp khắc phục”. Chủ động biên dịch sách tham khảo "Kinh tế học trong thời Covid-19" gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan liên quan phục vụ quá trình công tác.”, ông Nghĩa cho hay.
Năm 2020, Ban Kinh tế Trung ương đã có 111 văn bản thẩm định, tham gia ý kiến về các đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị; 102 văn bản tham gia ý kiến với các bộ, ngành, địa phương về các đề án, dự án, báo cáo, văn bản quy phạm pháp luật. Các ý kiến thẩm định, góp ý của Ban Kinh tế Trung ương luôn thể hiện quan điểm rõ ràng, thẳng thắn và với tinh thần trách nhiệm cao để góp phần giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và các cơ quan chức năng tổng kết, đánh giá việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.
Một số thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ 5 năm (2016-2020)
Kết quả hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương năm 2020 và cả chặng đường 5 năm qua có thể khái quát bằng 3 chữ “toàn diện” (đó là, toàn diện về thực hiện chức năng và nhiệm vụ, toàn diện về lĩnh vực, toàn diện về phạm vi). Từ vị thế của một Ban Đảng mới được tái lập vào năm 2012, giai đoạn (2016-2020), hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương đã được tiến hành toàn diện trên tất cả các chức năng và nhiệm vụ được giao về nghiên cứu, tham mưu đề xuất ban hành các chủ trương, chính sách của Đảng; về thẩm định; về hướng dẫn, kiểm tra và giám sát.
Trong đó, riêng về công tác nghiên cứu, tham mưu chủ trương, chính sách, trong giai đoạn 2016-2020, Ban đã chủ trì nghiên cứu, tham mưu ban hành 15 nghị quyết, kết luận của Đảng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó bao gồm 3 nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 9 nghị quyết và 3 kết luận của Bộ Chính trị, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nghị quyết, kết luận của Đảng về lĩnh vực kinh tế - xã hội đã được ban hành trong nhiệm kỳ khóa XII. Có lẽ, hiếm nhiệm kỳ nào Ban Kinh tế Trung ương được Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin cậy giao chủ trì xây dựng nhiều đề án, nghị quyết như nhiệm kỳ khóa XII.
Nhiệm vụ năm 2021 và các năm tiếp theo
Năm 2021, theo như nhận định của Ban Kinh tế Trung ương là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030.
Để có thể làm tốt nhiệm vụ được giao, Phó Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Ban sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược về kinh tế- xã hội. Đây là giá trị cốt lõi và lý do tồn tại chủ yếu của Ban Kinh tế Trung ương. Tình hình thế giới và trong nước tới đây tiếp tục sẽ có nhiều diễn biến ngoài dự báo, đòi hỏi phải luôn chủ động, không ngừng đổi mới thì mới theo kịp sự phát triển của tình hình.
Cũng vì lý do này mà Ban Kinh tế Trung ương đã xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025, trong đó dự kiến trình Ban Chấp hành Trung ương 6 đề án; Bộ Chính trị 41 đề án; Ban Bí thư 5 đề án để ban hành các nghị quyết, kết luận về lĩnh vực kinh tế; trong đó năm 2021 có 2 đề án trình Ban Chấp hành TW, 13 đề án trình Bộ Chính trị và 2 đề án trình Ban Bí thư.