Thời gian qua, ngành hàng bán lẻ trong nước phải cạnh tranh khá gay gắt trước làn sóng bán lẻ ngoại tràn vào. Tuy nhiên, theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2018 có sự gia tăng mạnh cả về quy mô và tốc độ khi tăng trưởng 11,6% so với năm 2017. Như vậy, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã không “thúc thủ” mà đang dần lấy lại vị thế sân nhà.
Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang dần chiếm lĩnh thị trường.
Các mô hình bán lẻ hiện đại như siêu thị mi ni, cửa hàng tiện lợi… đang ngày càng có xu hướng phát triển mạnh ở Việt Nam, đây cũng được coi là cơ hội để các doanh nghiệp ngành bán lẻ nước nhà giành lại thị phần, bứt phá trong thời gian tới.
Mạnh về mô hình siêu thị mini
Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2018 có sự gia tăng mạnh cả về quy mô và tốc độ khi tăng trưởng 11,6% so với năm 2017. Không phủ nhận, các DN bán lẻ Việt Nam đã và đang phải bước vào cuộc đua tranh khốc liệt khi mà làn sóng bán lẻ ngoại ồ ạt tràn vào. Hàng loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập được thực hiện bởi những bàn tay của các đại gia bán lẻ ngoại đã khiến cho ngành bán lẻ nước nhà nhiều phen dậy sóng.
Những lo lắng về việc các DN bán lẻ nội có nguy cơ mất sân nhà đã từng hiện hữu. Tuy nhiên, với những diễn biến trên thị trường bán lẻ hiện nay, nhiều DN, chuyên gia trong ngành bán lẻ đưa ra nhận định, các DN bán lẻ nội đang có nhiều lợi thế, cơ hội để bứt phá, giành lại thị phần ngay trong năm 2019 này.
Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho biết, riêng nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), thị phần của các nhà bán lẻ nội (tính đến quý III/2018) chiếm đến 73%, trong khi chuỗi bán hàng ngoại chỉ 27%. Xét ở 4 thị trường chính mà các nhà bán lẻ ngoại chọn kinh doanh nhiều (gồm TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ), thị phần các nhà bán lẻ ngoại chỉ tăng khoảng 32% trong khi chuỗi bán lẻ nội đạt 68%. Hiện chuỗi bán lẻ hiện đại của các nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 16% trong khi các nhà bán lẻ hiện đại trong nước chiếm 84%.
Mặc dù chiếm một tỷ lệ không nhỏ song DN nội chủ yếu chiếm lĩnh mô hình siêu thị và siêu thị mini, còn với mô hình đại siêu thị, nhà bán lẻ ngoại chiếm tới 92%. Phân khúc cửa hàng tiện lợi cũng đang thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài với 80% thị phần.
Saigon Co.op đang ngày càng mở rộng thị phần về siêu thị mini. Theo ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, với phân khúc siêu thị mini, Saigon Co.op chiếm thị phần gần như tuyệt đối với 98%. Song, đối với mô hình đại siêu thị thì chủ yếu vẫn thuộc về tay các đại gia nước ngoài. Tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh vẫn là một trong những rào cản đối với các nhà bán lẻ nội khi muốn tham gia vào sân kênh đại siêu thị.
Thói quen mua sắm tiêu dùng của người dân chính là thế mạnh của các DN bán lẻ Việt.
Tận dụng lợi thế
Mặc dù vậy, giới chuyên gia ngành bán lẻ vẫn cho rằng, các DN bán lẻ Việt có nhiều lợi thế, cơ hội để bứt phá trong thời gian tới. Theo đó, thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, thị hiếu và tâm lý tiêu dùng của phần lớn người dân Việt Nam vẫn đang là lợi thế mạnh để các DN bán lẻ nội nắm bắt mở rộng thị phần. Đáng chú ý, theo nhận định của Vụ Thị trường trong nước, các DN trong nước đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, điển hình như sự bùng nổ tốc độ mở mới của hệ thống cửa hàng tiện lợi Vinmart+ hoặc hệ thống siêu thị mini của Saigon Coop. Việc phát triển mạnh mảng bán lẻ này đã giúp DN bán lẻ Việt dần giành lại thị phần trên thị trường.
Đánh giá về những cơ hội của các DN bán lẻ nội, TS. Lê Huy Khôi - Trưởng ban Nghiên cứu dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, các DN bán lẻ Việt Nam có thể không bằng được DN ngoại về vốn, về quy mô nhưng điểm mạnh của chúng ta là nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng cũng như thói quen mua sắm của người dân Việt Nam. Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưa cách mua sắm nhanh, tiện lợi do đó, việc lựa chọn điểm đông dân cư, phát triển thị trường ngách là một cách lựa chọn khôn khéo đối với các DN bán lẻ nội.
Bên cạnh đó, kênh bán lẻ truyền thống vẫn là một trong những kênh bán lẻ góp phần quan trọng trong tổng mức bán lẻ vì thói quen tiêu dùng của người Việt Nam vẫn rất coi trọng chợ truyền thống. Do đó, trong chiến lược phát triển hệ thống phân phối hiện đại của Bộ Công thương thời gian tới, chợ truyền thống vẫn có vai trò quan trọng.
Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn khuyến cáo, các nhà bán lẻ phương Tây có thể không hiểu người tiêu dùng như các DN Việt Nam nhưng không thể không cẩn trọng với nhà bán lẻ trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, họ rất hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt và sẽ có nhiều “mánh” để thu hút người tiêu dùng nội địa.