Sự ra đời của mạng xã hội đang tạo nhiều cơ hội cho các nhiếp ảnh gia quảng bá các tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì đa phần các tác phẩm nhiếp ảnh hiện nay đang bị xâm hại bản quyền một cách nghiệm trọng. Theo NSNA Hồng Định - Chánh Văn phòng Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam, thực trạng này đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong giới nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Vi phạm bản quyền tác phẩm nhiếp ảnh đang diễn ra tràn lan và khó kiểm soát (Ảnh minh họa).
Vi phạm tràn lan
Ra đời cách đây 200 năm, nhiếp ảnh trong những năm trở lại đây phát triển vô cùng mạnh mẽ bởi sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, phần mềm, tin học… Hàng ngày, hàng giờ hàng vạn tác phẩm được ra đời và cũng có thể coi đây là giai đoạn hưng thịnh của ngành nhiếp ảnh. Bên cạnh đó, trong giới nghệ sĩ rất nhiều người khi chuyển từ mỹ thuật sang nhiếp ảnh cũng vô cùng thành công.
Thế nhưng, cùng với thành tựu mà nhiếp ảnh mang lại thì vấn đề bản quyền đang trở thành vấn nạn mà các nhiếp ảnh gia “chân chính” đang phải đối mặt hàng ngày. Các tác phẩm nhiếp ảnh được sử dụng “thoải mái” mà không hề xin phép tác giả. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm còn bị mạo danh, tự ý xuất bản, in ấn sao chép, sửa chữa cắt xén phân phối, sử dụng không trả nhuận bút.
Thậm chí nhiều tác phẩm còn được sử dụng trưng bày tại các triển lãm, truyền đạt qua mạng truyền thông hoặc phương tiện kỹ thuật số. Cá biệt, nhiều tác phẩm còn bị cố ý xóa bỏ, thay đổi thông tin quản lý dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo. Tuy nhiên, số người có nhu cầu sử dụng các tác phẩm nhiếp ảnh để vụ lợi không nhiều, đa phẩn được dùng vào những mục đích tốt… Ở đó, nguyên nhân chính là phần đông những người sử dụng chưa có nhận thức đúng về vi phạm về bản quyền tác phẩm.
Có thể nói vấn nạn này đang diễn ra hàng ngày, nhiều nhiếp ảnh gia thậm chí còn đang mất kiểm soát. Mặc dù, quan điểm của những nhà quản lý là kiên quyết nói không với vi phạm bản quyền, nhưng để đi vào thực tế thì vô cùng cùng khó khăn. Thực tế, nếu một bài hát được trình diễn bao giờ cũng được mọi người nhắc đến tác giả, nhưng với nhiếp ảnh hoàn toàn ít được để ý tới.
Chính sự “thờ ơ” này vô tình làm những vi phạm bản quyền nhiếp ảnh càng trở nên phổ biến. Chẳng hạn như ảnh được trưng bày tại các triển lãm hiện nay phần nhiều không có chú thích ảnh. Cùng lắm là có một mảnh giấy nhỏ đề tên tác phẩm, kích cỡ, chứ tên tác giả thường bị bỏ quên. Trong năm 2015, Hội NSNA Việt Nam đã khai trừ một hội viên vi phạm bản quyền, mới đây đang tiếp tục xử lý vụ việc vi phạm bản quyền của hai nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Nhưng thực tế, những xử phạt, thụ lý những sai phạm đến nay cũng chỉ như “muối bỏ biển”.
Đạo ý tưởng
Nếu như vấn nạn vi phạm bản quyền các tác phẩm nhiếp ảnh vẫn đang loay hoay tìm giải pháp hữu hiệu, thì với các nhà quản lý hiện nay lại “đau đầu” về vấn nạn đạo ý tưởng. Đây là vấn đề nghiêm trọng bởi việc sao chép ý tưởng làm cho các tác phẩm không còn đúng giá trị. Hiện nay, trung bình một ngày có hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm nhiếp ảnh ra đời, bên cạnh đó mỗi năm Việt Nam còn tổ chức hàng trăm cuộc thi nhiếp ảnh.
Tuy nhiên, bên cạnh việc đánh giá về các giá trị nghệ thuật của các tác phẩm dự thi, các BTC, BGK hiện nay hoàn toàn không kiểm soát được các tác phẩm dự giải. Đây là lỗi của các cơ quan quản lý, BTC đôi khi chưa làm tròn trách nhiệm để bỏ lọt những tác phẩm sao chép, lắp ghép.
Hàng năm, Hội NSNA Việt Nam có tổ chức Hội nghị nhằm định hướng sáng tác cho nhiếp ảnh cả nước, nhưng thực tế để giải quyết vấn này không phải là vấn đề giải quyết trong ngày một ngày hai. Đơn cử, để loại bỏ các tác phẩm có sự can thiệp sâu của photoshop là không thể. Hiện nay, việc quản lý nhiếp ảnh chỉ có thể hướng tới hai kiểu là chụp ảnh nguyên gốc và ảnh sáng tạo.
Nhưng mới chỉ đề ra những quy định như vậy mà hiện nay cũng vô cùng khó khăn vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng. Bên cạnh đó, chính vì vấn nạn sao chép ý tưởng cũng đã phát sinh ra dù có rất nhiều tác phẩm được sáng tác nhưng không phân biệt được đâu là tác phẩm thực sự, sự sáng tạo các tác phẩm mới cũng dần cạn kiệt…
Có thể nói, trong khi các tác phẩm nhiếp ảnh đang bị sao chép một cách trắng trợn mà vẫn chưa có những chế tài xử lý triệt để thì có lẽ hiện nay các nghệ sĩ chỉ còn một cách duy nhất là tự phòng ngừa. Ở đó, các nghệ sĩ cần chú ý vấn đề bản quyền khi giao nhận, công bố, cho tặng, tham gia gửi file, bài ảnh, đăng tải trên các trang mạng xã hội. Công bố tác phẩm và thông tin ảnh qua các trang web cá nhân hoặc trang web có uy tín.
Đưa ra các thông tin quản lý quyền của mình gắn với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm (thông tin lên ảnh). Công bố giới thiệu tác phẩm qua những cuộc thi, triển lãm, hội chợ. Bên cạnh đó, đề nghị các tổ chức chuyên môn, nghề nghiệp mà tác giả tham gia giúp đỡ (Hội, CLB), công ty Luật tư vấn khi có vi phạm và tranh chấp…
Mặc dù, Hội NSNA Việt Nam đã có ý định từ 2004 xử lý những vi phạm về bản quyền nhiếp ảnh, nhưng vì nhiều lý do chưa thực hiện được việc thành lập Trung tâm bảo về quyền tác giả nhiếp ảnh. Trước mắt với vấn nạn bản quyền các tác phẩm, các nghệ sĩ nhiếp ảnh chỉ còn một cách duy nhất là tự bảo vệ lấy tác phẩm của mình.