Bản quyền xưa nay vẫn là vấn đề lớn được bàn tới trong công tác xuất bản các ấn phẩm sách báo. Với những quy định về luật bản quyền như hiện nay, đã phần nào tạo dựng được niềm tin với các tác giả cũng như với các độc giả thưởng thức.
Tuy nhiên, dù thị trường xuất khẩu bản quyền sách ở Việt Nam đang có dấu hiệu phát triển nhưng nạn xâm phạm bản quyền vẫn rất nhiều.
Thị trường xuất bản sách ở nước ta thời điểm 1 – 2 năm đầu có số lượng sách bản quyền được bán ra không cao, nhưng so với 5 năm trở lại đây lại được tăng nhanh về số lượng và chất lượng.
Mặc dù Thái Lan và Việt Nam cạnh tranh là nước có lượng sách xuất bản ra nước ngoài lớn nhất, nhưng xét về mặt bằng chung, vẫn còn chưa đảm bảo để có thể có được những tác phẩm xuất sắc về mọi mặt, xứng đáng đủ tầm vươn ra thế giới.
Ngoài ra, việc xuất bản một cuốn sách ra nước ngoài cần phải đảm bảo nhiều tiêu chí của nhà xuất bản nước họ về mặt nội dung, hình thức và phải có một bản riêng biệt bằng tiếng Anh chuẩn cùng với đó là bản bằng ngôn ngữ của chính nước tác giả.
Trong đó, khó khăn hơn cả đó chính là một bản nội dung về tiếng Anh. Nói về vấn đề này, bà Pimolporn Yutisri – Giám đốc điều hành Đại lý bản quyền Tuttle Mori tại Thái Lan nói: “Các NXB nước ngoài thường có yêu cầu rất lớn trong mỗi một cuốn sách được xuất bản bản quyền. Ở Thái Lan cũng vậy, ban đầu khi tiến hành làm hồ sơ để bắt đầu xuất bản bản quyền một cuốn sách ra nước ngoài cũng gặp phải rào cản lớn đó là ngôn ngữ. Bởi vì khi không đảm bảo về mặt ngôn ngữ, người dịch dịch xa về mặt nội dung so với ban đầu sẽ làm mất đi giá trị của cuốn sách xuống còn 50%. Chính vì vậy, chúng ta nên dùng những bản tiếng Anh thật chuẩn, điều này cũng tạo nên ấn tượng đối với các nhà xuất bản trên thế giới. Họ sẽ không bỏ tiền đầu tư vào một cuốn sách mà họ lại phải mất công dịch lại 4 – 5 lần, như thế sẽ rất mất công”.
Ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng kế hoạch bản quyền Công ty Nhã Nam cho biết: “Các tác giả không nên tự mình làm việc giới thiệu sách từ các trang mạng điện tử hay từ người khác, rất dễ bị rủi ro và không được bảo hộ. Khi có một tác phẩm hay, phù hợp với các tiêu chí điều cần thiết là hãy liên hệ với các cơ quan, tổ chức đủ khả năng và thẩm quyền đảm bảo cho tác phẩm được xuất bản một cách hợp pháp và thông suốt. Bên cạnh đó, chúng ta nên tìm hiểu kĩ và lựa chọn các NXB phù hợp, uy tín để trao gửi tác phẩm của mình, điều này phần nào sẽ giúp được các tác giả đảm bảo về mặt bản quyền cho chính cuốn sách của mình”.
Để đưa công tác xuất bản sách từ Việt Nam ra quốc tế, ngoài việc xây dựng những chế tài, quy định pháp lý tốt cho việc xử lý các vi phạm bản quyền hiện nay của nhà nước thì việc cần thiết trước mắt hơn cả đó là làm sao để xây dựng được một thị trường xuất bản lành mạnh.