Nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền từng xuất bản khoảng 14 đầu sách, trong đó có các tập truyện ngắn “Đêm cuối năm”, “Mảnh vỡ cuộc sống”, “Nơi không có đêm”, “Chuyến xe chở cả mùa xuân”, “Mảnh vỡ cuộc sống”... Với hai cuốn tạp bút: “Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu Boléro”, “Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ”, chị đã dành nhiều thời gian và tình cảm để tìm hiểu đi sâu và hoà nhập vào mảnh đất mà bản sắc được tạo nên từ trái tim ấm áp nhiều tình yêu thương hào phóng của con người.
Những kỷ niệm tại thành phố với nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền luôn đầy ăm ắp. Năm 1977, chị vào học Đại học Sư phạm Kỹ thuật ở Thủ Đức. Những chiều thứ bảy chen xe buýt về nhà người dì ở đường Phan Đăng Lưu. Với chị, đó là thời trẻ trung, sôi nổi, nghèo mà vui. Những ký ức này, chị viết trong cuốn tạp bút “Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu Boléro”.
Ở thành phố, nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền có thú vui đi bộ buổi sáng. Khi mỏi chân sẽ ngồi nghỉ ở ghế đá Công viên Gia Định, bờ kè Nhiêu Lộc, Thiền viện Vạn Hạnh và Lăng Võ Tánh. Giữa không gian của những bóng cây lớn toả bóng mát, bãi cỏ rộng xanh mướt, cây bụi nhỏ nhiều hoa, thi thoảng có tiếng chuông chùa... tạo nên cảm giác tĩnh tại trầm lặng nhẹ nhàng, chị thường ngồi ngẫm ngợi.
Xen giữa những toà nhà sang trọng đầy vẻ quý phái, ở trung tâm thành phố thường ẩn hiện các căn chung cư cũ kỹ với tường tróc lở lộ ra màu gạch đỏ buồn, bụi dương xỉ kịp mọc lên từ ô trống, màu sắt hoen rỉ, cầu thang ngoài trời không có mái che... ở đó, sẽ tìm được quán cà phê, ngồi để nhìn đám chim sẻ đến ríu rít...
Đi qua đường Nguyễn Thị Minh Khai ồn ã tiếng xe, chỉ cần rẽ qua đường Huyền Chân Công Chúa, ngợp bóng mát và nghe tiếng ve sầu ra rả như lạc vào một vùng xanh... Sài Gòn, thường cho chị những bất ngờ đẹp như thế, để mỗi khi viết, những hình ảnh đó lại hiện về.
Sống ở thành phố, có thể thấy đặc trưng là mùi, có cả mùi của mệt mỏi, thiếu thốn, khó khăn và cũng có cả mùi của thơm hoa sứ, ngọt ngào tường vi. Những con hẻm nhỏ loằng ngoằng dễ lạc, các khu chợ tự phát gắn với nhịp sống người dân vào mỗi sáng. Dãy nhà chung cư in trên nền trời đen với những ô vuông cửa ánh sáng đủ màu, đẹp như bức tranh. Cũng có khi là mặt trăng cô quạnh giữa bầu trời thênh thang...
“Với tôi, Sài Gòn vẫn là một nơi rất thích thú để khám phá vì thành phố không còn là cái ngày xưa, thời bạn tôi đạp xe từ Phú Lâm lên Thủ Đức, vào lớp mặt vẫn còn tươi tỉnh. Thành phố bây giờ thay đổi nhiều, thành phố rộng quá, nhiều cái mới quá”, nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền chia sẻ.
“Tôi đề ra cho mình một “dự án” rong ruổi thành phố với hành trình khám phá bắt đầu từ xe buýt; thậm chí, tôi lập cho mình một bản đồ hành trình để đi. Nhờ đó, tôi có thể tự hào rằng hầu như tôi chưa bỏ sót chuyến xe buýt nội thành nào. Tôi yêu những con đường chính ở trung tâm thành phố, những tòa nhà kiến trúc Pháp, các dinh thự trầm mặc mà kiêu hãnh đã chứng kiến bao sự thay đổi của Sài Gòn qua hàng trăm năm.
Tôi rất thích những sáng sớm đạp xe trên những con đường chính này. Tôi thích dừng xe, ngồi lại bên thềm nhà hát thành phố, ngắm nhìn phố sớm và ngẫm ngợi. Những lúc ấy tôi thấy mình rất hạnh phúc, nói cách khác “sướng gì đâu". Trên tất cả, tạo nên bản sắc, văn hoá của Sài Gòn, mà chỉ thành phố mới có, đó là con người của mảnh đất này, rất nhân văn”.
Nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền nói, chị yêu Sài Gòn - TP HCM, thương từng gánh hàng rong, xe trái cây, tiếng chổi quét... và cả những tòa biệt thự kiểu Pháp, cả những hàng cây chạy dài trên những con đường ở quận 1, quận 3.
Thời gian này, chị thăm chừng tiến độ metro theo thời gian. Lâu lâu, lại đi một vòng xem con đường nào đã được trả lại mặt bằng, ghi hình lại quãng thời gian thành phố bận rộn và háo hức chờ ngày được đi một vòng metro từ Bến Thành đến Suối Tiên. Vẫn đang sống ở TP HCM, nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền không chỉ viết ký ức về Sài Gòn mà còn là những cảm xúc rất mới. Với chị đề tài về Sài Gòn không bao giờ cạn, như nguồn cảm hứng vô tận. Khi viết thành phố, chị theo mạch tự nhiên như hơi thở, chỉ cần chép lại cuộc sống mà chị đã thấy, gặp là đầy đủ cảm xúc, rung động.